Nhiều bluechips rổ VN30 hồi phục mạnh, VN30-Index vượt đỉnh cuối năm 2019

Cập nhật: 12:09 | 19/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Sau khi chạm đáy 610,76 điểm vào ngày 31/3, VN30-Index đã lấy lại được những gì đã mất khi đứng ở mức 901,59 điểm, cao hơn 22,53 điểm (2,56%) so với cuối năm trước...

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/10, VN-Index đứng ở mức 943,3 điểm, tương ứng giảm 1,8% so với thời điểm cuối năm 2019 (960,99 điểm). Tuy nhiên, VN30-Index đã lấy lại được những gì đã mất khi đứng ở mức 901,59 điểm, cao hơn 22,53 điểm (2,56%) so với cuối năm trước và cũng chỉ kém 7,5 điểm (0,8%) thời điểm trước Tết âm lịch 2020 - trước khi thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Biến động của VN-Index và VN30-Index từ đầu năm 2020.

Sau khi khởi đầu khá tốt trong gần 1 tháng đầu tiên của năm 2020 khi đạt mức 909,09 điểm, VN30-Index đã lao dốc theo thị trường chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chạm đáy 610,76 điểm vào ngày 31/3, tương ứng để mất 30,5% so với đầu năm và 32,8% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư "F0" chảy vào đã giúp thị trường hồi phục rất nhanh. Đà hồi phục của VN30-Index diễn ra mạnh nhất vào thời điểm đầu tháng 4 đến tháng 5 và có xu hướng điều chỉnh trong khoảng thời gian tháng 6 và 7. Từ tháng 8 đến nay, chỉ số này liên tục đi lên dù tốc độ tăng chậm hơn đợt hồi phục trước nhưng thanh khoản lại tăng vọt.

Kể từ phiên giao dịch 25/9 đến 16/10, khối lượng khớp lệnh của VN30-Index luôn duy trì ở mức trên 100 triệu cổ phiếu/phiên - dài nhất kể từ đầu năm 2020.

Dù chỉ có 11/30 mã trong rổ VN30 có được tăng trưởng dương kể từ đầu năm đến nay, song mức tăng của các mã này được ghi nhận đã tăng với biên độ rất mạnh. Động lực tăng chính của VN30-Index đến từ các cổ phiếu như Hòa Phát (HOSE: HPG), VietinBank (HOSE: CTG), Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), Vinamilk (HOSE: VNM), Chứng khoán SSI (HOSE: SSI)... trong đó, HPG tăng đến 51,4% từ 19.225 đồng lên thành 29.100 đồng, CTG tăng 49% từ 20.900 đồng lên 31.150 đồng, VNM tăng 14% từ 94.332 đồng lên 107.400 đồng.

Chiều ngược lại, cổ phiếu gây thất vọng nhất nhóm này là ROS của Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) với mức giảm lên đến 87,2% từ mức 17.300 đồng xuống chỉ còn vỏn vẹn 2.210 đồng. Vốn hóa của ROS cũng tụt xuống vị trí 276 toàn thị trường với chỉ 1.283 tỷ đồng.

Ba cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là Vingroup (HOSE: VIC), Vietcombank (HOSE: VCB), Vinhomes (HOSE: VHM) vẫn còn chưa quay về mức giá của cuối năm 2019. Trong đó, VIC còn giảm 15% và VHM giảm 9,2%.

Báo cáo chiến lược tháng 9 của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết diễn biến khó lường từ COVID-19 vào mùa đông sắp tới và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tạo các rủi ro biến động tiềm ẩn cho thị trường chứng khoán thế giới và cả Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, VN-Index tăng hơn 130 điểm kể từ vùng đáy 780 điểm được xác lập vào ngày 27/7, bên cạnh đó giá trị khớp lệnh trong tháng 9 cũng đạt hơn 137.000 tỷ đồng, vượt qua tháng 6 và lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Diễn biến này cho thấy áp lực chốt lời đang gia tăng khi chỉ số tiến về vùng điểm số cao.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra quan điểm khá thận trong khi cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng 920 - 950 điểm trong quý IV với các ngưỡng hỗ trợ mạnh là 880 và 900 điểm.

Điểm tin giao dịch cổ phiếu mới nhất ngày 19/10

Những thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như HAG, GEG, TCH, PBC,... được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt ...

Nhóm bảo hiểm tăng mạnh, VN-Index xanh nhẹ đầu phiên

Ngay từ đầu phiên giao dịch sáng ngày 19/10, thị trường đã nhận được lực đẩy tốt từ nhiều nhóm cổ phiếu. Các chỉ số ...

Thị trường chứng khoán ngày 19/10/2020: Thông tin trước giờ mở cửa

Lãi sau thuế quý 3 của ANV ước giảm 82% so cùng kỳ; Hai quĩ của Dragon Capital bán xong gần 47 triệu cổ phiếu ...

Yến Thanh