Nhập khẩu tăng cường, nguồn cung xăng dầu nửa cuối năm liệu có đủ?

Cập nhật: 16:55 | 02/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Bộ Công Thương, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2022 dự kiến khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,4 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3. Trong khi đó, trên thế giới, sản lượng dầu của Nga tăng nhẹ trong tháng 6/2022.

Giá xăng dầu hôm nay 1/7/2022: Giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 2/7/2022: Giảm nhẹ

Sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu

Trong quý II/2022, nguồn cung xăng dầu cả trong nước và nhập khẩu dự kiến khoảng 6,7 triệu m3, trong đó nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung cấp 1,8 triệu m3, chiếm gần 27% tổng cung; nhà máy Bình Sơn cung cấp khoảng 1,9 triệu m3, chiếm 28%.

Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu trong quý II dự kiến khoảng 5,2 triệu m3. Như vậy, nguồn cung xăng dầu quý II/2022 sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tồn kho gối đầu sang quý III/2022 khoảng 1,5 triệu m3.

Bộ Công Thương đánh giá nửa cuối năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các vấn đề địa chính trị và các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho năm 2022, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết từ đầu năm đến nay, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đã chạy hơn 100% công suất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng giao các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung từ nay đến quý III, quý IV. Ngoài ra, Bộ cũng chuẩn bị sẵn các kịch bản để bằng mọi cách đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) chia sẻ giá xăng dầu thời gian tới dự báo vẫn phụ thuộc diễn biến căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine và chính sách cấm vận của châu Âu với Nga.

Giá xăng dầu có thể dao động từ 100-120 USD/thùng, nếu căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang, nhưng khó lên 150 USD như một số dự báo vì các nước sẽ có biện pháp ngăn chặn đà tăng của giá xăng dầu.

“Ở trong nước, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cam kết đảm bảo nguồn cung cho thị trường xăng dầu đến hết quý III”, đại diện VINPA khẳng định.

Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết Tập đoàn đã chủ động nhập khẩu xăng dầu từ các nước song một bất lợi là giá đang rất cao.

Liên quan đến các loại thuế xăng dầu, Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát.

Sản lượng dầu của Nga tăng nhẹ trong tháng 6

Mức khai thác bao gồm condensate, vốn không được tính trong hạn ngạch của Nga theo thỏa thuận OPEC+ nhưng Nga không báo cáo riêng với sản lượng dầu thô. Cụ thể, Nga được cho là đang khai thác khoảng 800.000-900.000 thùng condensate mỗi ngày.

Lượng dầu khai thác của Nga trong tháng 6 thấp hơn khoảng 11 triệu thùng/ngày so với mức từ tháng 1 đến tháng 2, trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và sự xa lánh đối với dầu thô Nga ở phương Tây. Trong tháng 6, xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 3,3%, trong khi nhu cầu lọc dầu trong nước đang tăng theo mùa.

Các chuyên gia nói với Kommersant rằng, còn quá sớm để nói về sự sụt giảm liên tục trong xuất khẩu dầu của Nga.

Được biết, tất cả các công ty Nga đã cố gắng giữ sản lượng ổn định để tránh sự sụt giảm như trong tháng 4 và tháng 5, trong khi sản lượng của Rosneft thậm chí còn tăng 15%, theo nguồn tin của Kommersant. Trong khi đó, các hãng khai thác có thỏa thuận chia sẻ sản lượng tiếp tục nhận thấy sản lượng sụt giảm. Điển hình như, tại Sakhalin-1, nơi mà ông lớn Exxon của Mỹ tuyên bố sẽ ngừng hoạt động, sản lượng trong tháng 6 đã giảm 5 lần.

Hồi đầu tháng này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng, Nga đã tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 6 so với tháng 5 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục thúc đẩy sản lượng trong tháng 7.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Novak bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg cho hay, Nga đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể sản lượng của mình trong tháng này so với tháng 5, tăng khoảng 600.000 thùng/ngày,

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang tác động lên sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga, bất chấp việc Nga đang bán lượng dầu thô kỷ lục cho Ấn Độ trong thời gian gần đây.

Trong thời gian tới, sản lượng dầu của Nga dự kiến ​​sẽ giảm 18%, từ mức 11,3 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2022 xuống còn 9,3 triệu thùng/ngày trong quý cuối cùng của năm 2023 do lệnh cấm vận của EU đối với nhập khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết vào đầu tháng 6.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thanh Hằng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm