Nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Hỗ trợ người có công an cư lạc nghiệp

Cập nhật: 08:41 | 24/07/2020 Theo dõi KTCK trên

Sau gần 7 năm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây mới, sửa chữa nhà cho khoảng 5.000 hộ người có công trên địa bàn.

Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với những người đã cống hiến cho đất nước, đồng thời tạo sự phấn khởi, động viên họ khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Chú thích ảnh

Ngôi nhà khang trang được sửa chữa từ nguồn hỗ trợ của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg

Thị xã Hương Trà là một trong những địa phương có số lượng lớn hộ gia đình có công được hỗ trợ về nhà ở tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ năm 2013 đến nay, thị xã đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 495 căn nhà với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng, giúp các gia đình có nơi ở an toàn, thoải mái.

Đón khách trong căn nhà mới, ông Trương Dũng (73 tuổi, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) không khỏi xúc động khi kể về thành quả ngôi nhà khang trang mà mình vừa dọn vào sinh sống và niềm vui khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, giúp đỡ. Là thương binh hạng 3 nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh, ông Dũng khó khăn lắm mới có thể nuôi lớn ba người con gái trưởng thành với nguồn thu nhập hạn hẹp từ số tiền trợ cấp hằng tháng. Vì vậy, ngôi nhà mới cao ráo, có tường ốp gạch, nền cao, sân rộng, được hỗ trợ xây dựng là “kỳ tích” trong đời đối với ông.

Ông Dũng chia sẻ: Gia đình tôi có truyền thống cách mạng từ thời chống Pháp, thời bình được Nhà nước cấp đất nhưng hoàn cảnh khó khăn nên năm 1980 chúng tôi chỉ xây tạm nhà để ở. Căn nhà thời ấy cao vỏn vẹn hơn 2 mét, bao quanh là tường đất; mùa hè thì nóng như đổ lửa, mưa đến lại dột nước. Năm 2018, được hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà cùng sự góp sức của các thanh niên tình nguyện trong phường, ngôi nhà của gia đình tôi đã được thay áo mới, khang trang hơn rất nhiều. Từ nay, có ngôi nhà kiên cố, tôi yên tâm an cư lạc nghiệp, cố gắng nuôi gà, trồng cây ăn trái để dành dụm sửa thêm phần nhà bếp đang dần xuống cấp mà không trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nằm sâu trong con đường làng quanh co, bà Nguyễn Thị Thoa (68 tuổi, ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) đang cùng các cháu hóng mát trước hiên nhà. Gương mặt bà toát lên nét vui tươi, phấn khởi. Còn nhớ khoảng 5 năm về trước, cuộc sống gia đình khó khăn, bà luôn đau đáu nỗi lo về một nơi ở ổn định. Gia đình bà Thoa với bảy người sống trong căn nhà chật hẹp, xập xệ, mái ngói vỡ, tường rạn nứt, nền đất lún… luôn trong cảnh thấp thỏm, lo âu.

Là con của liệt sỹ cách mạng, năm 2015, bà Thoa may mắn được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Cùng với nguồn hỗ trợ của người thân trong gia đình, ngôi nhà phên dột nát đã được nâng cấp với mái lợp ngói mới, tường xây và nền nhà láng xi – măng. “Sự giúp đỡ từ Nhà nước và chính quyền địa phương làm chúng tôi rất ấm lòng. Từ đó đến giờ, cuộc sống cũng khấm khá hơn. Các con tôi mạnh dạn làm ăn, các cháu thì chịu khó học hành. Tôi không còn nỗi lo nhà cửa mỗi mùa mưa bão nữa rồi”, bà Thoa bộc bạch.

Nhờ sự giúp đỡ, quan tâm của chính quyền, 25 căn nhà của các gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn xã Hương Văn đã được chỉnh trang, thay “áo mới”. Nhiều hộ sau khi được nâng cấp, sửa chữa đã an tâm, mạnh dạn làm giàu, dần dần thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tỷ lệ hộ có công thuộc hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua các năm. Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, nhiều gia đình người có công gặp khó khăn về kinh phí bù sửa chữa đã được các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… giúp sức từ nguồn lực, nhân công đến vật liệu để nhanh chóng hoàn thiện mái ấm.

Đến tháng 4/2020, toàn tỉnh có 34 hộ được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa với giá trị hơn 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên các cấp cũng làm tốt vai trò xung kích, tiên phong giúp đỡ ngày công lao động để người có công có hoàn cảnh khó khăn dựng nhà, cải thiện nơi ở. Sau khi được hỗ trợ, nhà ở của các hộ gia đình đã được đảm bảo vệ sinh môi trường, kiên cố, khép kín, tránh được các tác động xấu của khí hậu, diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2/nhà. Với những nhà ở thuộc khu vực thường xuyên bị ngập lụt, các hộ đã được hỗ trợ xây dựng một diện tích sàn tránh lũ, tối thiểu 10 m2 và cao hơn mức ngập thường xuyên.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg đã khẳng định sự ưu tiên chăm lo, đảm bảo nhà ở đối với người có công. Quá trình thực hiện đã tạo nên sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của những người có công, khó khăn về nhà ở, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, củng cố niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chính sách này cũng được người dân hưởng ứng tích cực, tạo điều kiện để các tổ chức huy động nguồn vốn tập trung, nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết…; giúp các địa phương nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng khó khăn.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với giải quyết tốt an sinh xã hội; đặc biệt là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Nỗi đau thầm lặng: Khắc sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cả nước hiện có 4.968 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống ...

Bỏ sổ hộ khẩu, người dân không còn vất vả với thủ tục hành chính?

Đề xuất bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú, sổ hộ khẩu giấy thay bằng số định danh cá nhân cũng khiến không ...

Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 114/2020/QH14 phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà ...

Theo baotintuc.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm