Nhận định chứng khoán tuần từ 18-22/1/2021: Gặp khó trước vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm

Cập nhật: 09:53 | 17/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Việt tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 11 liên tiếp, VN-Index đã chạm mốc 1.200 điểm vào phiên sáng 13/1 nhưng đã nhanh chóng thoái lui trước áp lực bán gia tăng khá mạnh. Mặc dù vậy, VN-Index vẫn đang giằng co gần mốc đỉnh lịch sử, cùng với đó là thanh khoản không ngừng tăng cao.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến cho tuần giao dịch từ 18-22/1/2021.

Kết thúc tuần giao dịch từ 11-15/1 vừa qua, VN- Index tăng 2,3% lên 1.194,2 điểm; HNX-Index tăng 3,7% lên 225,47 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục tăng nhẹ so với tuần trước đó và lập kỷ lục mới với khoảng hơn 20.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 6,4% giá trị vốn hóa, với các đại diện trong nhóm như HSG tăng 5%, HPG tăng 4,1%, NKG tăng 1,9%... Tiếp theo là nhóm công nghệ thông tin với mức tăng 5% với các đại diện là FPT tăng 5,2%, CMG tăng 1,3%...

5234-nhan-dinh
Ảnh minh họa

Kế đến là nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 4,5% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu trong ngành như HVN tăng 5,7%, SCS tăng 4,9%, VJC tăng 4,2%... Các mã thuộc nhóm chứng khoán tăng mạnh mẽ như SHS tăng 16,1%, FTS tăng 9,9%, SSI tăng 8,2%, VND tăng 7,3%, HCM tăng 4,8%, VCI tăng 3,1%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành bất động sản diễn biến khá lạc quan với DXG tăng 1,45%, NLG tăng 1,89%, DIG tăng 6,77%, PDR tăng 7,66%, VPI tăng 11,51%. KDH tăng 11,67%. Trong khi đó, cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành là VIC giảm nhẹ 0,53%.

Theo Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), ông Lê Long Giang nhận định những ngày đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên quay lại lịch sử khi tiệm cận 1.200 điểm sau 3 năm và đánh dấu 11 tuần liên tiếp VN-Index tăng điểm mạnh. Dù sau khi chạm đỉnh thị trường đã có những phiên điều chỉnh nhưng không thể phủ nhận cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới.

Các nhóm ngành còn lại đều có mức tăng tích cực như ngân hàng tăng 1,2% giá trị vốn hóa; hàng tiêu dùng tăng 1,4%, dược phẩm và y tế tăng 1,7%, dầu khí tăng 1,9%, công nghiệp tăng 2%...

Điểm tiêu cực trên thị trường trong tuần vừa qua vẫn là việc dòng vốn ngoại duy trì trạng thái bán ròng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 26,4 triệu cổ phiếu trong tuần qua, tương ứng giá trị bán ròng là 2.162 tỷ đồng.

Dưới đây là nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch tuần mới:

Tiếp tục gặp khó trước vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Tuần tới, VN-Index sẽ tiếp tục gặp khó trước vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm. Chỉ số đang nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1.175-1.180 điểm. Nếu để mất vùng hỗ trợ này, rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ gia tăng trong ngắn hạn. Nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến kỳ công bố kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp. Đồng thời, trong tuần tới, HoSE sẽ công bố kết quả thay đổi danh mục các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… kỳ 1 năm 2021. Sau đó, các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số này sẽ phải thực hiện các hoạt động tái cơ cấu danh mục. Cũng trong tuần tới, hợp đồng tương lai tháng 1 sẽ đáo hạn và có thể tạo ra biến động mạnh cho thị trường vào giữa tuần.

Sự phục hồi tiếp diễn trong những ngày tới

(CTCP MB - MBS)

Ở góc nhìn lạc quan, các nhà phân tích MBS nhận định phiên cuối tuần qua (15/1), thanh khoản mạnh mẽ cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng về sự phục hồi tiếp diễn của thị trường trong những ngày tới.

Thị trường lấy lại đà tăng trong phiên cuối tuần (phiên 15/1) cũng là sự xác nhận phiên điều chỉnh kỹ thuật ở phiên trước đó (phiên 14/1) chỉ là nhịp rung lắc trong quá trình chinh phục đỉnh lịch sử.

Thanh khoản phiên cuối tuần còn cao hơn so với phiên trước đó, cho thấy nhà đầu tư sau khi chốt lời đã mua lại, bên cạnh đó sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán... cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường khỏe, MBS nhân định.

Thay thế các cổ phiếu đầu cơ bằng các cổ phiếu nền tảng cơ bản

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ và VN-Index tạm thời thất bại trước mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, thống kê diễn biến giao dịch những năm trước trở lại đây cho thấy các chỉ số chứng khoán của Việt Nam thường ghi nhận diễn biến khá tích cực trong quý I với giao dịch cũng tương đối sôi động. Trong những phiên tới, VCBS cho rằng đã đến lúc nhà đầu tư nên cân nhắc cơ cấu lại danh mục theo hướng thay thế các cổ phiếu đầu cơ bằng các cổ phiếu nền tảng cơ bản và mang tính chất đầu tư trung hạn trong bối cảnh thị trường đã khá gần vùng đỉnh “lịch sử” 1.200 điểm, hoặc cũng có thể chuyển hướng “lướt sóng” cổ phiếu dựa trên sự dịch chuyển của dòng tiền hướng về các công ty niêm yết có thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2020 khả quan cũng như tiềm năng tăng trưởng tích cực trong năm 2021.

Nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng là cần thiết

(CTCK Sài Gòn-Hà Nội - SHS)

Dựa vào mô hình sóng Elliot để đưa ra dự báo cho kịch bản diễn biến thị trường trong tuần tới. Sóng Elliot là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu.

Theo nguyên tắc sóng Elliot, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.

SHS cho rằng thị trường hiện đang nằm ở cuối sóng 3 và có thể sẽ cần nhịp giảm của sóng 4 nhằm giúp thị trường bớt nóng, trước khi quay trở lại sóng tăng 5 để vượt mức đỉnh lịch sử.

Với diễn biến điều chỉnh cũng như lình xình của ba phiên gần đây thì thị trường đã phần nào cho tín hiệu cảnh báo về kịch bản trên với việc sóng 3 có dấu hiệu kết thúc, khi tăng từ ngưỡng 925 điểm lên ngưỡng 1.200 điểm và tiếp theo sẽ là sóng điều chỉnh 4, với mục tiêu theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.040 điểm.

Các nhà phân tích từ SHS nhận định, nếu trong tuần tiếp theo, thị trường không thể bật tăng trở lại để vượt qua vùng kháng cự trong khoảng 1.200-1.211 điểm mà tiếp tục giằng co và thậm chí giảm thì có thể xác nhận kịch bản trên.

SHS cho rằng một nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng của thị trường là cần thiết để thị trường có thể hướng tới các mốc cao mới.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất từ 11 - 15/1/2021: HQC, ROS, VIG tăng mạnh, HNG "bay hơi"

Kết tuần giao dịch từ ngày 11 - 15/1/2021, cùng với việc VN-Index và các chỉ số tiếp tục tăng điểm, nhiều cổ phiếu thị ...

Khối ngoại từ 11 - 15/1/2021: Bán mạnh cổ phiếu HPG, MSN, SHB, GAS; họ "Vin" được mua trở lại

Kết tuần giao dịch từ ngày 11 - 15/1/2021, khối ngoại toàn thị trường đã bán ròng ở mức 26,4 triệu cổ phiếu tương ứng ...

Năm 2021, ngành chứng khoán cần triển khai công tác trên tinh thần quyết tâm cao nhất

Đánh giá cao và biểu dương những kết quả rất tích cực trong năm 2020, tuy nhiên, năm 2021, ngành Chứng khoán cần triển khai ...

Nguyễn Thanh (t/h)