Nhận định chứng khoán ngày 23/2/2021: Lực bán tăng dần

Cập nhật: 18:08 | 22/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau khi VN-Index tiến vào vùng kháng cự 1.180-1.210 điểm, thị trường trở nên rung lắc trước áp lực bán gia tăng, qua đó kéo chỉ số này về giằng co quanh tham chiếu, trong đó, SAB, KBC và VNM là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chung.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 23/02/2021.

VN-Index tiếp tục gặp khó khi tiến về đỉnh cũ

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

VN-Index dự báo sẽ có diễn biến điều chỉnh tích lũy trong một vài phiên kế tiếp. Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong giai đoạn hiện tại đồng thời hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đối với diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 2/2021.

- Chiến lược đầu tư:

+ Duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50 - 70% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung- dài hạn. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.

+ Vùng đỉnh cũ 1.185 - 1.200 điểm vẫn là vùng kháng cự đáng chú ý có thể tạo ra áp lực điều chỉnh mạnh cho thị trường. Do đó, việc xem xét thực hiện bán trading một phần các vị thế ngắn hạn trong danh mục khi chỉ số tiếp cận vùng đỉnh này.

Lực bán tăng mạnh

(CTCK Yuanta Việt Nam – YSVN)

Chúng tôi thấy áp lực chốt lời tiếp tục mạnh lên trên thị trường cơ sở khi chỉ số VN-Index tiến tới vùng kháng cự. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cho rằng nhịp rung lắc là cơ hội để gia tăng ty trọng. Nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục nắm giữ các mã chứng quyền của các cổ phiếu đang có xu hướng ngắn hạn tích cực như MWG, FPT, TCB, MBB…

3529-nhan-dinh
Hình minh họa

Các nhịp rung lắc vẫn còn

(CTCK MB - MBS)

Đây không phải là phiên đầu tiên thị trường bị ép xuống ở thời điểm cuối phiên, thanh khoản tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền đã dịch chuyển trở lại nhóm bluechips đã hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 1.175 điểm.

Về kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn tiếp tục được củng cố khi VN-Index đã vượt trendline giảm giá kể từ đầu năm.

Áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại ở nhóm bluechips, tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này. Thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 1.200 điểm.

Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn có phần gia tăng

(CTCK KB Việt Nam - KBSV)

VN-Index diễn biến giằng co trong phiên hôm nay và hình thành 1 mẫu nến spinning nhỏ. Mặc dù xu hướng tăng chủ đạo đang được bảo lưu, nhưng chỉ số vẫn đang chịu lực cản của vùng kháng cự gần quanh 1.180 điểm với rủi ro điều chỉnh ngắn hạn có phần gia tăng.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì vị thế trung hạn và có thể kết hợp trading một phần, đồng thời tiếp tục cân bằng lại vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng cản gần.

VN-Index vận động trong vùng 1.160-1.200 điểm

(CTCK BIDV - BSC)

Dòng tiền đầu tư co cụm vào một số ngành nhất định khi chỉ có 9/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản giảm nhẹ, biên độ thị trường thu hẹp và độ rộng tiêu cực cho thấy, tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư.

Khối ngoại bán ròng trở lại trên sàn HSX và mua ròng trên sàn HNX. VN-Index nhiều khả năng sẽ vận động trong vùng 1.160-1.200 điểm trong tuần này.

Có thể sẽ có một phiên tăng mạnh

(CTCK Sài Gòn-Hà Nội - SHS)

Xu hướng trong ngắn hạn khó xác định hơn với việc VN-Index có thể tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó) nhưng chỉ số này cũng có thể sẽ có một phiên tăng mạnh để tiếp cận gần hơn với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm rồi tích lũy quanh ngưỡng này.

Quá trình rung lắc hoặc điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Thị trường đã đánh mất thành quả trong phiên chiều, cho thấy nỗ lực vượt qua vùng thử thách chưa thành công. Với động thái lùi bước cuối phiên, cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn đang gây sức ép cho thị trường chung. Do vậy thị trường sẽ cần thêm thời gian để kiểm định cung – cầu, quá trình rung lắc hoặc điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo. Quý nhà đầu tư nên chậm lại và quan sát thị trường, đồng thời tìm kiếm cơ hội tiềm năng để chuẩn bị khi thị trường sôi động trở lại.

Tỷ trọng cân nhắc ở mức trung bình

(CTCK Phú Hưng - PHS)

Về mặt kỹ thuật, tín hiệu hôm nay cũng tiếp tục cho thấy đà tăng đang yếu đi với độ biến động thu hẹp về mức thấp và có dạng nến Doji. Đây là tín hiệu cần chú ý, đặc biệt sau nhịp hồi mạnh vừa qua và chỉ số hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh 1.170 điểm. Chỉ số có thể sớm chịu áp lực giảm rõ ràng hơn trong vài phiên tới.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ chỉ là nhịp điều chỉnh nhẹ về test gap 1.115-1.127 điểm, sau đó hình thành vùng tích lũy với biến động thu hẹp để hấp thụ lượng cung cũng như củng cố vững hơn xu hướng tăng chính.

Nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế có thể cân nhắc bán chốt lời một phần khi thị trường tiếp tục tăng điểm và canh cover khi có điều chỉnh trở lại. Tỷ trọng cân nhắc ở mức trung bình.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Phiên giao dịch ngày 23/2/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 23/2/2021, ...

Dòng tiền thận trọng; SAB, KBC, VNM và GAS kéo VN-Index về dưới tham chiếu

Sau những phút hưng phấn buổi sáng, áp lực bán đã tăng lên đáng kể trong phiên chiều 22/2/2021. Diễn biến kém tích cực của ...

Nguyễn Thanh