Nhà đầu tư kỳ vọng thị trường bất động sản cuối năm phục hồi và khởi sắc

Cập nhật: 10:34 | 17/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Thị trường bất động sản (BĐS) nửa đầu năm 2022 cung giảm, cầu cao, giá tăng bất thường nhưng thanh khoản thấp... Nửa chặng đường còn lại, nhà đầu tư hy vọng phục hồi và khởi sắc như kỳ vọng.

Thị trường bất động sản biến động nửa đầu năm 2022

Năm 2022 được đánh giá là năm bản lề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đây là thời điểm để thị trường phục hồi trở lại, tạo đà tăng trưởng cho thời gian tới.

3011-byt-yyng-syn

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều biến động liên quan đến cung - cầu. Nhiều nhà đầu tư nhận xét, chưa khi nào các thông tin quy hoạch lại được tung ra ồ ạt với quy mô rộng như hiện nay, từ hệ thống cao tốc đến quy hoạch sân bay, thành phố vệ tinh, đường ven biển, nâng cấp các đô thị... Những yếu tố này, đã và đang tiếp sức thúc đẩy thị trường bất động sản nóng lên đặc biệt ở phân khúc đất nền.

Nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác cũng ngặt nghèo với chủ đầu tư trong việc cấp phép dự án dẫn đến giá đất tăng, đặc biệt ở các địa phương mới nổi khi thu hút dòng tiền dịch chuyển.

Bên cạnh những diễn biến tích cực với sự trở lại đầy sôi động của thị trường sau 2 năm gần như "đóng băng" vì dịch bệnh, ở hầu khắp các địa phương đều ghi nhận sự xuất hiện của các cơn "sốt ảo", đi kèm là hiện tượng thổi giá. Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát, mặc dù giá bất động sản tăng nhanh nhưng thanh khoản chậm, thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Sau các cơn sốt đất, không thiếu cảnh nhà đầu tư ôm hàng nhưng khó bán, bán không ai mua đã phải chịu cảnh lãi ảo. Đặc biệt, với những nhà đầu tư đang chịu áp lực lãi vay ngân hàng, thực tế này vô cùng bất lợi. Do đó, theo giới nghiên cứu, giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ và độ chấp nhận của thị trường.

Dù vậy, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là có nhiều triển vọng nhờ khả năng thu hút giới đầu tư và tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô, đầu tư công và nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn.

Khơi thông nguồn vốn, liệu thị trường bất động sản có khởi sắc?

Theo Phó Chủ tịch VNREA Nguyễn Văn Đính, để thị trường BĐS tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, thoả mãn nhu cầu của người dân, nhu cầu ở thực, từ này đến cuối năm, cần phải tạo ra nguồn cung tốt hơn, dồi dào hơn. Khi cung cầu cân bằng, giá BĐS sẽ có giá trị thật, vì tạo ra tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho thị trường cần được khơi thông. Hiện tại, kênh tín dụng ngân hàng, trái phiếu đang bị kiểm soát chặt, nên các doanh nghiệp BDS, nhà đầu tư khá khó khăn về vốn để phát triển dự án và giao dịch. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tham mưu Chính phủ cần sớm có giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường, giúp các doanh nghiệp có nguồn lực phát triển các dự án mới, tạo ra nguồn cung mới cho thị trường.

Ngoài ra, làm sao để cải cách, giảm tải được thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, đầu tư dự án để doanh nghiệp BĐS không phải mất nhiều thời gian triển khai và các quy hoạch nên dựa trên nhu cầu để có sự ưu tiên cho những phân khúc phù hợp.

Nửa cuối năm 2022, với những thuận lợi trong kiểm soát dịch, mở cửa kinh tế và tín hiệu tích cực về mặt pháp lý như hiện nay, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, thậm chí phát triển bùng nổ. Không chỉ nhờ mở cửa du lịch, thị trường BĐS còn được hỗ trợ phục hồi bởi việc hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kết nối các vùng miền; việc mở rộng hay xây mới các sân bay, trục cao tốc Bắc Nam đang mở ra cơ hội mới cho thị trường.

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp BĐS cũng khuyến cáo nhà đầu tư cân nhắc kỹ các yếu tố pháp lý khi chọn mua bất kỳ BĐS nào, trong đó phải đánh giá được năng lực của chủ đầu tư, tiềm năng của dự án để phát triển trong tương lai, cũng như quy hoạch hạ tầng đồng bộ của dự án. Chẳng hạn như các BĐS tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp thì sẽ có nhu cầu thực lớn, khả năng thanh khoản cao hay BĐS nghỉ dưỡng ven đô cũng có nhiều tiềm năng nếu lựa chọn được dự án có tính pháp lý tốt. Còn nếu các nhà đầu tư chạy theo “sóng”, thiếu đánh giá kỹ pháp lý, dễ đối mặt với rủi ro lớn.

Riêng đối với các giải pháp để gia tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, yếu tố chính sách đóng vài trò quan trọng nhất. Bởi hiện tại, để làm được dự án chung cư ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các địa phương phải qua nhiều khâu thủ tục, từ khâu giao đất đến thu hồi giải phóng mặt bằng, sau đó là xây dựng, quản lý quy hoạch, kiểm định phòng cháy chữa cháy… Do đó, nếu tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục, doanh nghiệp sẽ tạo nguồn cung dồi dào ra thị trường. Trong đó, giải pháp trước mắt, các doanh nghiệp đều mong muốn có ưu đãi, ưu tiên thực sự về quỹ đất xây dựng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Dự báo xu hướng thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2022-2030

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời ...

TP. HCM: Thêm 10 doanh nghiệp kiến nghị gỡ vướng liên quan đến thủ tục pháp lý đầu tư dự án

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa bổ sung các kiến nghị của 10 doanh nghiệp bất động sản đề nghị ...

Căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 khan hiếm trên thị trường

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, các dự án có căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 có rất ít, ...

Thuận An

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm