Nguyên nhân nào khiến giá gạo giảm xuống mức thấp nhất?

Cập nhật: 07:10 | 22/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD / tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8, giảm mạnh 83 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 là 390 USD/tấn.

Thị trường đường tháng 7/2021: Chênh lệch giữa giá đường trắng và đường thô tiếp tục thu hẹp

Hà Nội hỗ trợ tiền sử dụng nước sinh hoạt do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Dự báo tôm nguyên liệu trong quý IV/2021 thiếu trầm trọng

Thời gian qua, do dịch COVID-19 kéo dài khiến việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí giá gạo xuất khẩu đã giảm mạnh xuống còn 385 USD/tấn với gạo 5% tấm và là mức thấp nhất trong vòng 1 năm rưỡi trở lại đây.

Không riêng gạo đồ của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này cũng đã giảm xuống mức thấp do cầu thị trường yếu.

Hiện tại gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ở mức 352 - 356 USD, giảm mạnh so với mức 383 USD/tấn hồi đầu tháng 7/2021. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387- 400 USD / tấn trong tuần, từ 380- 395 USD/tấn một tuần trước đây nhưng vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.

3330-giagao
Ảnh minh họa

Theo đó, giá gạo của Việt Nam đang ở mức thấp hơn Thái Lan và tiệm cận với gạo của Ấn Độ, trong khi hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua giá gạo Việt luôn cao hơn gần 100 USD so với gạo Ấn Độ.

Các thương nhân xuất khẩu cho hay: Nguyên nhân dẫn đến giá gạo giảm do nhu cầu thấp và chi phí vận chuyển cao hơn, trong khi đó COVID-19 bùng phát cũng làm hạn chế khả năng giao hàng của doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT của Intimex cho hay, mặc dù từ ngày 16/8 Công ty CP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) đã tiếp nhận lại dịch vụ đóng rút gạo tại Bến 125 - Cảng Cát Lái với quy mô 2 băng chuyền, công suất 70 container/ngày. Tuy nhiên với khối lượng cần giao lên tới 120.000 tấn trong tháng 8/2021 thì khả năng sẽ khó đáp ứng được.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đến hết tháng 7/2021 Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việc xuất khẩu sụt giảm do tác động của dịch bệnh cũng như căng thẳng cước tàu biển kéo dài.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển.

Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành hàng và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.

Giá lúa, nếp miền Tây nơi tăng nơi giảm

Ngày 21/8, ông Nguyễn Thanh Sang - nông dân xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang - cho biết giá nếp tại huyện Phú Tân đã tăng được thêm 300 đồng/kg kể từ khi huyện này thực hiện chỉ thị 15.

3331-giagao1
Ảnh minh họa

Ông Sang hiện đang canh tác 1ha nếp chuẩn bị bán cho thương lái với giá 4.400 đồng/kg. Nếu so với vụ đông xuân, giá nếp như vậy đã giảm gần 1.500 đồng/kg. Nhưng cách đây 3 ngày, nông dân chỉ bán nếp với giá 4.100 đồng/kg.

"Lúc đó, tôi nghĩ chắc kỳ này bán nếp lỗ chắc rồi. Ai ngờ, tôi bán được với giá 4.400 đồng/kg. Giá lúa, nếp khu vực này đã tăng trở lại do địa phương thực hiện chỉ thị 15 đi lại thuận tiện hơn. Với giá này, người nào làm đất nhà thì có lợi nhuận ít, còn làm đất thuê thì xem như huề vốn hoặc lỗ.

Bà con lo lắng nhất vẫn là vấn đề phân bón, chính quyền làm sao giúp dân, chứ phân urê đã lên gần 700.000 đồng/bao (gấp đôi) thì làm sao nông dân sản xuất có lời, trong khi giá lúa quá thấp", ông Sang nói.

Còn ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang - cho biết đến thời điểm này An Giang đã thu hoạch gần 90% diện tích. Nhờ sự hỗ trợ của Quân khu 9 về lực lượng, phương tiện, sự thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực nên vấn đề khó khăn từ khâu thu hoạch, vận chuyển từ đồng ruộng đến nhà máy đã được tháo gỡ.

"Tuy nhiên, giá lúa tuần này có chiều hướng giảm 100 - 200 đồng/kg các loại. Hiện nhờ Tập đoàn Lộc Trời cam kết giá lúa ổn định nên 2 tuần nay không thấy nông dân gọi điện tới tấp như trước. Nguyên nhân chính do các thương lái đầy kho, chưa thu mua kịp và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn", ông Thọ giải thích.

Ông Thọ cho rằng giá phân bón tăng nhanh khiến nông dân sản xuất lúa, nếp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vụ thu đông sắp tới, bà con đã và đang xuống giống, nếu không có giải pháp hữu hiệu từ các ngành chức năng thì nông dân sẽ gặp khó do chi phí sản xuất tăng mạnh.

"Giá phân bón tăng do các chi phí đầu vào mà các nhà máy không sản xuất được. Chủ yếu tăng chi phí phát sinh 3 tại chỗ, chi phí logistics của các đại lý phân bón cấp 1, cấp 2. UBND tỉnh đang cố gắng hỗ trợ nhanh nhất từ nhà máy xuống đến đại lý cấp 2 để giảm chi phí phân bón tăng", ông Thọ nói thêm.

Được biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3,9 triệu tấn lúa, 1,2 triệu tấn rau củ quả và trái cây cần vận chuyển.

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm