Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ

Cập nhật: 10:42 | 20/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” dân tộc ta, thì ngày Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử mà còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ mình – những vĩ nhân của cuộc đời mỗi người. Ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ 2021

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Hàn thực 2021

Rằm tháng 7 - Lễ Vu Lan 2021 sẽ rơi vào Chủ nhật, ngày 22/8 dương lịch. Tính theo dương lịch, tháng cô hồn năm 2021 sẽ bắt đầu từ ngày 8/8 dương lịch (1/7 âm lịch) đến 6/9 (30/7 âm lịch).

"Vu lan" là cách viết tắt của "Vu lan bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Ullam dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu lan bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng.

4038-levulan
Ảnh minh họa

Trong khi đó từ "báo hiếu" như mọi người vẫn biết, đó là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ.

Lễ Vu lan được xuất phát từ kinh "Vu lan bồn" của Phật giáo. Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, Ngài là một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật.

Theo kinh "Vu lan bồn" thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm.

Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời.

Ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện.

4040-levulan1
Ảnh minh họa

Ngày lễ Vu Lan cũng là dịp để gợi nhắc những người con về việc báo hiếu bố mẹ, những dịp này, hãy dành thời gian quan tâm và hỏi han họ nhiều hơn, chẳng hạn như những câu đơn giản về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Nếu có thể, hãy về bên gia đình và quây quần bên bữa cơm cùng bố mẹ bạn nhé!

Làm gì trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu?

Hoạt động phổ biến nhất là đến chùa cầu kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc.

Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn chưa siêu thoát. Ăn chay cũng là một hoạt động trong ngày lễ Vu Lan.

Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng…

Với những người còn bố mẹ, có thể dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cho bố mẹ mình.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan