Nguồn cung đứt gãy, nhập khẩu phân bón về Việt Nam giảm liên tục

Cập nhật: 10:40 | 15/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, nhập khẩu phân bón đạt gần 169 nghìn tấn, tương đương 67 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 38% về giá trị so với tháng 6. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp, nhập khẩu phân bón lao dốc.

Thị trường cao su biến động mạnh trong quý II/2022

Nhiều doanh nghiệp ngành gạo báo lỗ ròng trong quý II/2022

Nguyên nhân nào khiến gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa dùng hết hạn ngạch 80.000 tấn của hiệp định EVFTA?

Lũy kế 7 tháng, nhập khẩu phân bón đạt 1,9 triệu tấn, tương đương 911 triệu USD, giảm 31% về lượng nhưng tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) mỗi năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Cục dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Về nguồn cung, các nhà máy phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân Ure, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Các nhà máy sản xuất DAP mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Trong khi đó phân Kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Trong 7 tháng đầu năm, việc nhập khẩu phân bón gặp nhiều khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng ở Nga và Belarus, hai thị trường cung cấp 50% Kali cho thế giới.

Cụ thể, nhập khẩu phân bón từ Nga chỉ đạt gần 150 nghìn tấn, tương đương 97 triệu USD, giảm 37% về lượng nhưng tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Lượng nhập khẩu phân bón từ Nga chiếm 7,7% tổng lượng nhập khẩu.

Tương tự, nhập khẩu phân bón từ Belarus đạt 53 nghìn tấn, tương đương 31 triệu USD, giảm 68% về lượng và giảm 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Lượng nhập khẩu phân bón từ Belarus chiếm 2,7% tổng lượng nhập khẩu.

Mặt khác, việc Trung Quốc áp hạn ngạch xuất khẩu với nhiều loại phân bón cũng khiến nhập khẩu mặt hàng này về Việt Nam giảm mạnh.

Theo đó, 7 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc đạt 946 nghìn tấn, tương đương 387 triệu USD, giảm 25% về lượng nhưng tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Lượng nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc chiếm 48,6% tổng lượng nhập khẩu.

Cục Bảo vệ Thực vật nhận định căng thẳng giữa Nga - Ukraine không chỉ tác động mạnh tới nguồn cung mà còn khiến giá phân bón trên thế giới dựng đứng.

Theo đó, mặt bằng chung giá phân bón nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm vẫn ở mức cao, khoảng 466 USD/tấn, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Song hai tháng gần đây, giá phân bón đã hạ nhiệt, giá nhập khẩu trong tháng 7 giảm 70 USD/tấn so với tháng 6, còn 396 USD/tấn.

Xuất khẩu phân bón tăng kỷ lục

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết: "Thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung phân bón nặng nề cho đến khi căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt. Việc gián đoạn nguồn cung ure từ Nga đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam như Phân bón Cà Mau, Đạm Phú Mỹ..."

Đại diện FAV đánh giá đây là cơ hội với doanh nghiệp Việt bởi theo công suất thiết kế thì 4 nhà máy sản xuất phân ure của Việt Nam khoảng 2,6 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Do đó, các doanh nghiệp có thể ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt đã nắm bắt được xu thế, điều này được thể hiện trong kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt gần 1 triệu tấn, tương đương 647 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng tới 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ 2021.

Như vậy, chỉ sau 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt qua kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, lên mức bình quân 646 USD/tấn. Riêng trong tháng 6 giá xuất khẩu phân bón đã nhích 2,5% so với 5, lên 679 USD/tấn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm