Nghị quyết 35 và 5 năm kỳ vọng của Chính phủ

Cập nhật: 16:02 | 14/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, một con số rất đáng quan tâm là có đến 50% mục tiêu của Nghị quyết đề ra đã không đạt được...

Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đề ra 6 mục tiêu:

- Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững;

- Cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh;

- Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội;

- Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp khoảng 30 - 35% GDP;

- Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm;

- Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

2020-dnv
Mốc 1 triệu doanh nghiệp vẫn còn khá xa trong bối cảnh dịch COVID vẫn đang tiếp diễn
Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, để hoàn thành các Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Thực tế sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, một con số rất đáng quan tâm là có đến 50% mục tiêu của Nghị quyết đề ra đã không đạt được.

Cụ thể sau 5 năm thực hiện, có 3 mục tiêu không đạt được bao gồm:

- Số lượng doanh nghiệp đến 2020 khoảng 1 triệu doanh nghiệp (thực tế đến nay, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp hoạt động).

- Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm cũng chưa đạt được.

- GDP của khu vực tư nhân có xu hướng tăng lên nhưng không đạt được mục tiêu 48 - 49% như Nghị quyết đề ra khi các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn, dẫn tới kém hiệu quả.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, chuyên gia tư vấn dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, từ trước đến nay, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vẫn tập trung quá nhiều vào câu chuyện sản xuất và tạo ra sản phẩm; chưa chú trọng vào nhiệm vụ trọng tâm là thị trường. Làm thế nào để kết nối được sản phẩm với thị trường là bài toán cần tập trung trong giai đoạn tới.

Có thể thấy rằng, việc triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ có thời điểm đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 đã xảy ra và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của doanh nghiệp (trong thời điểm rất quan trọng), hàng loạt kế hoạch đề ra không thể triển khai. Có một thực tế hiện nay là năng lực của doanh nghiệp nước ta còn yếu; đa số doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược dài hạn nên khó hấp thụ được những chính sách hỗ trợ.

Cần một "cánh tay" giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, thị trường, chất lượng nguồn nhân lực và quy mô của doanh nghiệp còn quá nhỏ khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta chưa cao và không tham gia được vào sân chơi lớn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp cần kiên kết hợp tác, dám đầu tư, dám chấp nhận khó khăn thách thức và dám chấp nhận rủi ro.

Tác động của đại dịch COVID-19 đang đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải tăng cường khả năng thích ứng để phát triển. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất điều chỉnh chính sách tài khóa mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng ở thị trường nội địa nhưng tất cả vẫn đang ở "thì tương lai".

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Cục sẽ công khai những dự án đang hỗ trợ, đặc biệt là dự án đang triển khai là kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp đầu chuỗi, đặc biệt là với những doanh nghiệp lớn ở nước ngoài “trong đó, cục sẽ lựa chọn, đánh giá năng lực để biết điểm yếu của doanh nghiệp ở đâu để mời các chuyên gia vào tư vấn. Làm sao để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng như giá thành mà doanh nghiệp đầu chuỗi yêu cầu.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn, chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng khi tham gia vào đó”, ông Hùng chỉ rõ.

Năm 2020 nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khi những thị trường xuất khẩu chính của nước ta như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đều bị sụt giảm sức mua đến 50%. Theo số liệu của Chính phủ, có đến 96% số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng với hơn 70.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và đóng cửa - chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì những gói hỗ trợ lại chưa thực sự hiệu quả và kịp thời.

2237-ndv
Đa số doanh nghiệp dệt may gặp khó trong năm 2020

Ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình cho rằng, trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay, việc được mong chờ nhất là Chính phủ có các gói hỗ trợ đủ mạnh để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng cần tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

"Hiện tại, các gói hỗ trợ vẫn còn xa với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp rất muốn có sự liên kết. Những doanh nghiệp lớn sẽ hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ, nhất là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nói chung và tại tỉnh Hòa Bình nói riêng vẫn chưa thông thoáng, nhiều luật cần điều chỉnh để phù hợp với doah nghiệp vừa và nhỏ”, ông Biên nói.

Kết quả điều tra doanh nghiệp do Đại học Kinh tế Quốc dân và nhóm nghiên cứu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica thực hiện từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10/2020 cho thấy, có khoảng 30% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và 10% phải dừng hoạt động. Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ là nặng nề nhất. Trong khi đó, có đến 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. 2 lý do chính dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện và không có thông tin về chính sách. Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều chính sách được đánh giá không có tác động như kỳ vọng như gói hỗ trợ chi phí logistic, cải cách hành chính.

Chính sách và con đường thực thi hình chữ "chi"

PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nêu, thực tế từ nhiều cuộc báo cáo cho rằng, dù các cơ quan chuyên trách đã có nhiều chính sách đúng nhưng khi thực hiện lại kém hiệu quả. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chính sách hỗ trợ chưa thực sự phù hợp và cần phải được điều chỉnh để có thể thực hiện và đi vào cuộc sống.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tải hàng hóa đường bộ, logistics, du lịch… vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Họ đang mong đợi các gói hỗ trợ nhanh chóng triển khai để giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính, để có thể duy trì hoạt động.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ, chỉ có 2% số doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ trong đợt dịch COVID-19. Có quá nhiều văn bản chồng chéo, khiến doanh nghiệp rất khó thực thi.

Năm 2020, xếp hạng môi trường kinh doanh của nước ta đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, còn cách khá xa so với Thái Lan và Malaysia.

Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cho biết, nhiều doanh nghiệp thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu. Một số cán bộ công chức đạo đức công vụ chưa tốt, dẫn đến chi phí không chính thức, hiện tượng tham nhũng vặt vẫn còn.

“Về quyền bình đẳng, các doanh nghiệp vẫn phản ánh doanh nghiệp tư nhân không được đối xử công bằng so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có nguồn gốc từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”, ông Cường nói.

Một con số thống kê cho thấy, công tác cải cách thủ tục của nước ta còn nhiều bất cập khi có đến 20% doanh nghiệp vẫn đang bị thanh kiểm tra 2 lần/năm. Việc theo dõi và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ của các Bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc; báo cáo chủ yếu mang tính thống kê và công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì?

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo Nghị quyết 35/NQ-CP và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP được tổ chức sáng 19/10/2020 tại Hà Nội, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định: "Các chính sách về phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015; tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Tuy nhiên, “Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai. Một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 ví dụ như: Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan” Thứ trưởng Đông nhận định.

Theo ông Đông, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tổng kết, đánh giá và xây dựng Báo cáo 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Chính phủ trong quý IV năm 2020.

Để có được cơ sở hoàn thiện các dự thảo nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong nhận được sự góp ý, tham vấn của các đơn vị, địa phương, bộ ngành, chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp.

2335-dc
Hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể dịch khó khăn do khó tiếp cập với chính sách hỗ trợ

Nhiệm vụ và đề xuất giải pháp

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, cần khuyến khích phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô vừa và lớn; xây dựng các thương hiệu mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, đổi mới tư duy quản lý Nhà nước về doanh nghiệp khu vực tư nhân, theo đó nhà nước coi doanh nghiệp vừa là khách hàng được phục vụ vừa là đối tượng quản lý.

Bên cạnh đó tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát minh, đổi mới, sáng tạo và áp dụng mô hình kinh doanh, dịch vụ sản phẩm chưa từng có tiền lệ. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Theo đó, trung bình giai đoạn 2021 - 2030 tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động khoảng 15% năm, tăng tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chiếm khoảng 5 - 6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030. Bên cạnh đó, mắc tăng trưởng bình quân lao động 2021 - 2030 đạt khoảng 25 - 30%, tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 23 - 25%/năm.

Có 15 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hoá trên 1 tỷ USD vào năm 2020 và 20 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hoá trên 1 tỷ USD vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị đưa ra 6 nhóm giải pháp; trong đó, gồm hỗ trợ doanh nghiệp sau tác động bởi dịch bệnh COVID-19; Phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; tăng cường kiên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác phát triển doanh nghiệp.

Gần 11.000 tỷ đồng trái phiếu chảy về doanh nghiệp trong tháng 11, nhóm ngân hàng là quán quân

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây có báo cáo tổng hợp tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng ...

Trái phiếu bị 'siết', doanh nghiệp tìm về kênh tín dụng truyền thống?

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 11/2020.

Các doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức ngày 14/12

Trong ngày 14/12/2020, các doanh nghiệp như DGC, HBC, NLG, SEB, SCS, TTL, TA6 sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ ...

Hữu Dũng

Tin cũ hơn
Xem thêm