Ngành điều có nguy cơ mất cơ hội xuất khẩu sang nhiều nước

Cập nhật: 09:16 | 07/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngành hạt điều Việt Nam đang chịu sự canh tranh khá gay gắt từ Myanmar tại thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, thị phần hạt điều của Việt Nam tại Pháp cũng đang có xu hướng giảm.

Giá cà phê hôm nay 7/6/2022: Xu hướng tăng trở lại

Xuất khẩu cao su tháng 5/2022 bật tăng mạnh do nhu cầu hồi phục

Xuất khẩu gỗ bật tăng: Doanh nghiệp tìm giải pháp thích ứng với chi phí logistics tăng cao

Theo số liệu của cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 4, nhập khẩu hạt điều của nước này đạt 21,5 triệu USD, tăng 113% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu hạt điều của Trung Quốc đạt 55,5 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu gần 20 triệu USD trong tháng 4, tăng 96% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 45,5 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 96,5% trong 4 tháng đầu năm 2021 xuống 82,1% trong 4 tháng đầu năm 2022.

Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Myanmar trong tháng 4, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,7 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhập khẩu hạt điều của từ Myanmar gần đạt 8 triệu USD.

Thị phần hạt điều của Myanmar chiếm 14,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay. Như vậy có thể thấy, ngành hạt điều Việt Nam đang chịu sự canh tranh khá gay gắt từ Myanmar tại thị trường Trung Quốc.

1358-xuatkhaudieu
Ảnh minh họa

Ngoài thị trường Trung Quốc, thị phần hạt điều của Việt Nam tại Pháp cũng đang có xu hướng giảm.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), trong quý I, nhập khẩu hạt điều của Pháp đạt 4,5 nghìn tấn, tương đương 34 triệu USD, tăng 5% về lượng và tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Pháp giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, Hà Lan, Brazil, nhưng tăng nhập khẩu từ Ấn Độ, Bờ Biển Ngà.

Đáng chú ý, nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam trong quý I đạt 2,8 nghìn tấn, tương đương 21,5 triệu USD, giảm 3% về lượng và giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp giảm từ 69,31% trong quý I/2021 xuống còn 64,15% trong quý I/2022. Ngược lại, Pháp tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà trong quý I, mức tăng 2.720% về lượng và tăng 6.351% về trị giá so với quý I/2021, đạt 408 tấn, trị giá 2,9 triệu USD.

Thị phần hạt điều của Bờ Biển Ngà trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng mạnh từ 0,3% trong quý I/2021 lên 9,1% trong quý I/2022.

Đề phòng lừa đảo trong xuất khẩu điều

Vụ việc mất quyền kiểm soát đối với 36/100 container hạt điều giá trị hơn 20 triệu đô la Mỹ (USD) xuất khẩu sang Italy do bị thất lạc toàn bộ hồ sơ, chứng từ gốc liên quan tới việc thanh toán đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ bị mất trắng số hàng xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA), sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mọi giao thương của doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị đình trệ, thậm chí là mất khách hàng, nên khi có được những đơn hàng xuất khẩu mới, số lượng lớn và từ những thị trường uy tín... rất dễ khiến các doanh nghiệp chủ quan, mất cảnh giác và vội vã đón nhận.

Rủi ro pháp lý từ sự việc 100 container xuất khẩu điều, thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD có thể coi là một ví dụ. Qua đó, rút ra những bài học cảnh giác cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để phòng tránh nguy cơ bị lừa đảo trong kinh doanh.

Theo ông Ngô Khắc Lễ, đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ý định lừa đảo từ kẻ gian có thể hình thành trước hoặc trong quá trình giao dịch dựa vào những tình huống cụ thể.

Ông Ngô Khắc Lễ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp một số biện pháp để có thể hạn chế đến mức tối đa hành vi lừa đảo trong kinh doanh. Theo đó, đầu tiên cần sự thận trọng hơn với những doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu.

Hãy cảnh giác khi thấy giá rẻ với điều kiện thanh toán ưu đãi. Vì việc này rất hiếm khi xảy với giao dịch lần đầu mà không ẩn chứa ý định gì. Thêm nữa, doanh nghiệp nên điện thoại để biết cụ thể tên người, số điện thoại bàn, số di động; sử dụng địa chỉ email của công ty; đồng thời, có thể kết hợp với địa chỉ thư điện tử công cộng để dễ dàng hơn khi xác định người, công ty sau này vì họ phải đăng ký dịch vụ điện thoại, thư điện tử riêng ở nước sở tại. Nên đưa vào hợp đồng tên người liên hệ, số fax, địa chỉ email của công ty khi giao dịch chính thức.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp ngại thuê do chưa quen, hoặc sợ tốn kém nhưng thực tế cho thấy, so với tổn thất thì không đáng là bao và phải coi đây là "đầu tư cho kiến thức" để tránh rủi ro chứ không phải là "chi phí" của doanh nghiệp. Nhìn rộng hơn, đầu tư một lần có thể dùng cho thời gian dài nên chi tính theo năm và trên doanh số thì cũng không đáng kể.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tổ chức cho nhân viên tham gia các lớp học chuyên môn, các sự kiện, hội thảo... để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Học phí không nhiều nhưng có tác dụng rất tốt để giảm rủi ro lâu dài.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm