Ngân hàng đua “tốt nghiệp” Basel II

Cập nhật: 07:12 | 04/03/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó với ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên. Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại NHTM Nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.  

ngan hang dua tot nghiep basel ii Tuân thủ Basel II: M&A ngân hàng sẽ có sự chuyển biến
ngan hang dua tot nghiep basel ii Basel II – Ngân hàng muốn thực hiện không phải là chuyện dễ
ngan hang dua tot nghiep basel ii Năm 2019, mục tiêu tín dụng tăng khoảng 14%, ưu tiên 'room' cho nhóm áp chuẩn Basel II sớm

Theo kế hoạch ban đầu, đầu năm 2018, việc thí điểm này sẽ hoàn thành, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các NHTM khác trong nước. Quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN, năm 2020 sẽ là thời điểm mà tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II. Tuy nhiên, đến thời điểm này sau 4 năm triển khai mới có một vài ngân hàng hoàn tất: Vietcombank, OCB, VIB chủ động triển khai Basel II để nâng cao hệ thống quản trị, mang đến sự an toàn vốn cho ngân hàng.

Thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chọn 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới 2 nhà băng (Vietcombank, VIB) trong số này đã sớm tốt nghiệm Basel II và thêm OCB nằm ngoài danh sách. Còn lại, các nhà băng đang phải chạy đua thời gian để có thể áp chuẩn quốc tế nói trên trong năm 2019 này.

ngan hang dua tot nghiep basel ii
Ảnh minh họa

Áp lực hệ số CAR giảm

Do quá trình tăng vốn, nâng cao tiềm lực tài chính còn khó khăn thời gian qua. Không chỉ với nhà băng nhỏ mà cả khối ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietinbank) nên khó có thể đáp ứng sớm việc hoàn tất thực hiện chuẩn Basel II.

Định hướng ngành ngân hàng đến 2019 - 2020 hoàn tất tăng vốn nhóm quốc doanh để đạt chuẩn Basel II. Vì thế, không chỉ với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ chạy đua tăng vốn mà ngay cả những nhà băng quy mô trong ngành cũng khó tránh vòng xoáy trên để tiến tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo tiêu chuẩn Basel II.

Theo NHNN, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%). Trong đó, CAR của khối ngân hàng quốc doanh là 9,4% thì của khối ngân hàng TMCP là hơn 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới. Việc Chính phủ, NHNN vừa bật đèn xanh với cho BIDV hút vốn ngoại cũng được xem là động thái tích cực tiến tới Basel II. BIDV sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn hiện tại và 15% vốn sau tăng cho chỉ một nhà đầu tư KEB Hana Bank. Vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.

Theo đó, VPBank vừa xin phép NHNN áp dụng toàn phần tiêu chuẩn Basel II trong quản trị rủi ro từ đầu năm 2019, sớm 1 năm so với yêu cầu đặt ra của NHNN nếu được chấp thuận. HDBank cho biết, từ năm 2015 - 2016, ngân hàng đã lên các kịch bản chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu từ trước khi NHNN ban hành Thông tư 41 với các chuẩn mực tương tự Basel II. Sacombank khởi động dự án “Mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng”; triển khai phần mềm xếp hạng tín dụng... Thông qua việc triển khai các dự án này cùng với dự án “Hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro”, Sacombank đang đẩy nhanh quá trình hoàn thành phương pháp tiêu chuẩn (Standard Approach - SA) và tiến lên phương pháp tiếp cận nội bộ của Basel II.

Lợi ích mang lại

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, với các ngân hàng đã đáp ứng về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 ngay trong năm 2019 các nhà băng sẽ được cấp chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác. Vietcombank, OCB và VIB sẽ được hưởng cơ chế riêng về tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới.

Tại OCB, Basel II đem đến những giá trị thiết thực không chỉ cho chính Ngân hàng, mà các khách hàng và cổ đông cũng nhận được nhiều lợi ích. Việc triển khai Basel II thành công đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN khuyến khích các ngân hàng và được hưởng cơ chế riêng, song cũng có sự kiểm tra và yêu cầu cao hơn với các ngân hàng thực hiện Basel II sớm. Nếu các ngân hàng vi phạm Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 thì sẽ có chế tài khác, bị xử lý nặng hơn gấp đôi so với các ngân hàng khác. Điều đó cho thấy, NHNN tạo điều kiện cho ngân hàng nhưng phải thể hiện trách nhiệm với NHNN.

Hoài Dương