MSB sẽ bán Công ty Tài chính FCCOM và ghi nhận lợi nhuận vào năm 2022

Cập nhật: 11:35 | 08/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Bên cạnh FCCOM, MSB cũng sẽ bán toàn bộ giá trị vốn góp tại Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản MSB (MSB AMC) nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.

2030-msb811
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB)

Thứ sáu tuần trước (5/11), tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã chia sẻ một số thông tin về việc bán toàn bộ 100% vốn tại Công ty Tài chính FCCOM.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết ngân hàng đang tiếp xúc với 2 - 3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11 này.

"Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận", ông Linh nói. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và có thể thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận cho MSB trong năm 2022.

Lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng định hướng thoái vốn các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Bên cạnh FCCOM, MSB cũng sẽ bán toàn bộ giá trị vốn góp tại Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản MSB (MSB AMC) nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Cập nhật về hoạt động kinh doanh, ông Linh cho biết đến hết tháng 10, MSB lãi trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. Các chỉ số sinh lời trên tổng tài sản trung bình (ROAA) và vốn chủ sở hữu trung bình (ROAE) lần lượt là 2,14% và 20,83%.

Tỷ lệ biên lãi ròng NIM đạt mức 3,72%, cao hơn mức 3,35% của năm 2020 và 2,51% của 2019. Dự kiến ngân hàng sẽ cán mốc trên 5.000 tỷ lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2021.

Trong kỳ nới hạn mức tín dụng cuối năm, MSB kỳ vọng sẽ được nâng "room" tín dụng, dựa trên cân đối và phân bổ của cơ quan điều hành.

Đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của MSB ở mức 1,95%, đi ngang so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ cơ cấu lại theo Thông tư 14/2021 của NHNN đến hết quý III là 1.759 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ.

Trong kế hoạch từ nay đến năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng trung bình tín dụng 25 - 30%, tổng tài sản 17%/năm và huy động vốn 16%/năm, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) hướng đến mốc 40.000 tỷ.

Riêng trong năm 2022, MSB đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 30%, quy mô tài sản 10% - 15%. Ngân hàng dự kiến tiếp tục chia cổ tức 2021 với tỷ lệ 30%.

Vừa qua, MSB đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2020 với tỷ lệ 30%.

Trên thị trường chứng khoán, trước khi chia cổ tức, cổ phiếu MSB dao động trong khoảng giá 29.000-30.000 đồng/cổ phiếu và sau đó điều chỉnh về 22.200 đồng vào ngày 7/10. Kết phiên giao dịch sáng ngày 8/11, giá MSB đứng ở mức 24.700đ/cp.

3257-hh1
Diễn biến giá cổ phiếu MSB thời gian gần đây (Nguồn: Internet)
TPBank dự kiến phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 4.100 tỷ đồng

Mở cửa phiên giao dịch ngày 8/11, cổ phiếu TPB của TPBank tăng nhẹ 0,9% lên mức 43.900 đồng một cổ phiếu, tăng hơn 135% ...

Nhờ vốn rẻ, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận quý IV sẽ tăng

Tính đến thời điểm này, 27 ngân hàng TMCP niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với mức tăng trưởng lợi ...

MSB phát hành xong 352 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa chấp thuận kết quả phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 của MSB. Ngân hàng ...

Linh Đan (TH)