Miệt mài báo lỗ, cổ phiếu YEG bốc hơi hơn 90% từ lúc lên sàn

Cập nhật: 14:06 | 25/04/2022 Theo dõi KTCK trên

CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE - Mã: YEG) bắt đầu chuỗi thua lỗ triền miên kể từ tháng 3/2019 khi bị YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những sai phạm liên tục và lặp lại trong quản lý nội dung. Cũng từ đó, giá cổ phiếu YEG bắt đầu lao dốc không phanh, mất hơn 94% giá trị kể từ lúc lên sàn.

5932-image001
CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE - Mã: YEG).

Cổ phiếu sớm nở tối tàn

CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) thành lập vào năm 2006, Yeah1 khởi đầu là trang thông tin điện tử www.yeah1.com chuyên cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ. Doanh nghiệp này có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đến năm 2018, có 9 công ty con trực tiếp và 4 công ty con gián tiếp.

Ngày 26/6/2018, Yeah1 trở thành doanh nghiệp truyền hình đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mức giá kỷ lục 250.000 đồng/cổ phiếu, thời điểm đó đã soán ngôi thị giá của “ông lớn” SAB. Ngày đầu niêm yết, YEG đã tăng trần lên 300.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn hoá thị trường của Yeah1 lên 8.200 tỷ đồng, trở thành một trong những công ty công nghệ đắt giá hàng đầu.

Tuy nhiên, YEG bắt đầu chuỗi thua lỗ triền miên kể từ tháng 3/2019 khi bị YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những sai phạm liên tục và lặp lại trong quản lý nội dung. Cũng từ đó, giá cổ phiếu bắt đầu lao dốc không phanh. Đến phiên chiều 25/4, giá cổ phiếu YEG chỉ còn 16.700 đồng/cp, mất hơn 94% giá trị kể từ lúc lên sàn, khớp tạm tính gần 184.700 đơn vị.

5951-yeg
Diễn biến giá cổ phiếuYEG từ lúc lên sàn. (Nguồn: Tradingview).

Việc Yeah1 liên tục thua lỗ dẫn đến động thái thoái vốn của hàng loạt cổ đông lớn. Gần đây nhất, hồi đầu tháng 4, Quỹ ngoại DFJ VinaCapital Venture Investment, thành viên thuộc VinaCapital đã đăng ký bán toàn bộ hơn 1,5 triệu cổ phiếu YEG.

Trước đó, DFJ VinaCapital Venture Investment đã đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu YEG nhưng hết thời gian giao dịch chỉ bán được một nửa số lượng đăng ký.

Vào tháng 11/2021, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát thông báo đã bán 1,6 triệu cổ phiếu YEG để giảm sở hữu từ 7,5% về còn 2,47%.

Thoát án hủy niêm yết nhờ “bán con”

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa quyết định đưa cổ phiếu YEG ra khỏi diện kiểm soát kể từ ngày 15/4/2022 với lý do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 là 19,79 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 là 20,54 tỷ đồng.
Việc có lãi trở lại trong năm 2021 cũng giúp doanh nghiệp này thoát án huỷ niêm yết bắt buộc do hai năm trước công ty đều lỗ.

Năm 2021, Yeah1 ghi nhận doanh thu 1.082 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2020. Trừ đi giá vốn 1.045 tỷ đồng, khoản lãi gộp thu về là 34,1 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí tài chính 28 tỷ đồng (chủ yếu là lãi vay 21,8 tỷ đồng), chi phí bán hàng 86,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 211 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của YEG sẽ âm tới 290 tỷ đồng.

Nhờ khoản doanh thu hoạt động tài chính 423,8 tỷ đồng - tăng mạnh so với con số 11,9 tỷ đồng trong năm 2020 mà lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp đạt 29,9 tỷ đồng.

Việc “bán con” này được Yeah 1 thực hiện cấp tập trong quý IV/2021, thời hạn cuối cùng để đảo ngược tình thế nhằm thoát nguy cơ phải rời sàn. Trước đó, quý III/2021, công ty báo lỗ 56,8 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 27/12/2021, công ty thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại hai công ty con là Công ty Netlink Online Corporation và Công ty TNHH Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam với tổng giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 270 tỷ đồng ghi nhận lãi 210 tỷ đồng.

Ngày 31/12/2021, YEG tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại CTCP Yeah1 Edigital với giá trị 298 tỷ đồng, ghi nhận lãi 147 tỷ đồng.

Trước đó, đầu tháng 7/2021, YEG đã thông qua việc chuyển nhượng 51% cổ phần có quyền biểu quyết của Yeah1 tại Giga1,…

Đây là những công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, sản xuất chương trình, dịch vụ quản lý hình ảnh và phim trên Internet. Sau khi bán bớt, Yeah1 còn 10 công ty con trực tiếp, 8 công ty con gián tiếp và 6 công ty liên kết.

Trong hai năm 2020 và 2021, công ty đã hai lần phải sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế nhằm cứu cổ phiếu khỏi bị đưa vào diện cảnh báo. Cổ phiếu YEG chính thức bị đưa vào diện cảnh báo do tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp hồi tháng 4/2020.

Khi đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2019 của Tập đoàn âm hơn 385 tỷ đồng. Sau đó, cổ phiếu này bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát song vẫn được giao dịch toàn thời gian.

Cổ phiếu LHG “bất ngờ rơi” sau khi công ty đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi, loạt “sếp lớn” tháo chạy

Cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu (Sàn HOSE) bất ngời rơi khi công ty công bố tài liệu ĐHCĐ năm 2022. Theo đó, mục ...

Lao dốc giữa bão tin đồn, CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn chi trăm tỷ gom lượng lớn cổ phiếu GEX

Trên thị trường, cổ phiếu GEX lao dốc sau ma trận "tin đồn", CEO Nguyễn Văn Tuấn dự chi gần 300 tỷ đồng để ...

Cổ phiếu 'họ Louis' và Chứng khoán Trí Việt đồng loạt lao dốc khi lãnh đạo bị bắt

Giống như nhiều trường hợp khác, cổ phiếu liên quan đến "nhóm Louis" và Trí Việt đồng loạt giảm sàn sau khi hai lãnh đạo ...

Quỳnh Nga