Masan phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu

Cập nhật: 10:27 | 27/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã phê duyệt phương án phát hành 2 lô trái phiếu ra công chúng với tổng mệnh giá 4.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm.

Masan phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu
Tính đến cuối quý II, nợ phải trả của Masan đạt 86.463 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay chiếm 56.872 tỷ đồng, gấp rưỡi vốn chủ sở hữu.

Kỳ hạn của 2 lô trái phiếu này là tối đa 60 tháng kể từ ngày phát hành, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Lãi suất của trái phiếu thả nổi, bằng tổng của 4,1%/năm cộng với lãi suất tham chiếu (hiện khoảng 6,4%/năm).

Như vậy, lãi suất của các khoản trái phiếu doanh nghiệp do Masan phát hành ra công chúng đợt này sẽ khoảng hơn 10%/năm, cao hơn đáng kể so với các lô trái phiếu chào bán trước đó. Dự kiến 2 lô trái phiếu này sẽ được phát hành tương ứng trong quý I/2023 và quý II/2023.

Mục đích chào bán nhằm tăng cường tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp và để huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường hiện nay. Đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh từ hoạt động kinh doanh, cơ cấu lại các khoản nợ, cụ thể là thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các phái phiếu đã phát hành trước đó.

Vào cuối tháng 9/2022, Masan đã huy động thành công 2 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng với mức lãi suất 2 kỳ đầu cố định 9,5%/năm.

Đợt huy động này của Masan diễn ra chỉ vài hôm ngay trước thềm lô trái phiếu phát hành trước đó đáo hạn. Cụ thể, lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng, được Masan phát hành ngày 26/9/2019 với kỳ hạn 3 năm đã đáo hạn vào ngày 25/9/2022 vừa qua.

Hồi năm 2020, Masan cũng đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước qua 4 đợt. Tất cả đều có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào năm 2023. Vào tháng 1/2021, Masan tiếp tục thực hiện chào bán ra công chúng thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu nữa.

Hiện Masan chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Tính đến cuối quý II, nguồn vốn tài chính của Masan đạt 125.259 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả đóng góp 86.463 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ vay chiếm đến 56.872 tỷ đồng, tương đương 66% nợ phải trả và gấp rưỡi vốn chủ sở hữu.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm, Masan đạt doanh thu thuần hợp nhất 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 3.110 tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ.

Năm 2022, Masan đặt kế hoạch tổng doanh thu 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng 1,5% - 12,8% so với thực hiện 2021; lợi nhuận sau thuế dự kiến là 6.900 - 8.500 tỷ đồng, giảm từ 15,8% - 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Masan còn cách khá xa kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Tập đoàn cũng lên phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế và phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và tăng vốn điều lệ. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 và/hoặc 2023.

Mệnh giá trái phiếu dự kiến 100.000 USD và là bội số của 1.000 USD hoặc mệnh giá khác được phù hợp với thông lệ thị trường. Số lượng trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 500 triệu USD.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Tân Mai

Tin cũ hơn
Xem thêm