Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp thủy sản phân hóa mạnh nửa đầu năm 2021

Cập nhật: 14:42 | 26/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Thủy sản là ngành chịu ảnh hưởng lớn khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm ngoái. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã sôi động trở lại khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn bắt đầu khôi phục. Kết quý II, nhóm doanh nghiệp thủy sản đa số đều báo lãi song biên lãi đã có sự trái chiều.

Xuat khau thuy san nua dau nam 2021 vuot moc 4,1 ty USD hinh anh 2

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam đã vượt mốc 4,1 tỷ USD.

Theo đó, mặt hàng tôm chân trắng chiếm 76% đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23%; tôm sú chiếm 15%, đạt 257 triệu USD, giảm 10%; tôm biển các loại chiếm 9% đạt 154 triệu USD, giảm 16%.

Những thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều đang gia tăng nhập khẩu tôm. Do vậy, xuất khẩu sang những nước này tăng trưởng tốt; trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ đang có đà tăng trưởng mỗi tháng khoảng 45%, sang Nhật Bản tăng 17%, sang Hàn Quốc tăng 10%, Đức tăng 60%, sang Anh tăng 15%.

Đáng chú ý, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại nhiều thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, tại Mỹ - thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới (chiếm 30% kim ngạch nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam), tôm Việt Nam chỉ chiếm 8,5% thị phần, đứng sau Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.

Theo phân tích của Vasep, ngoại trừ việc thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt hàng nhập khẩu liên quan kiểm tra COVID-19 làm ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu, kết quả xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm và tiềm năng khác đều rất khả quan.

Cùng với sự phục hồi ấn tượng từ hai thị trường lớn là Mỹ và EU, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng tận dụng rất tốt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có nhiều tiềm năng, thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Với đà tăng trưởng hiện nay, Vasep dự báo, xuất khẩu thủy sản cả năm 2021 có thể cán mốc 9 tỷ USD.

Công ty bán tôm lãi đậm

Tôm đang trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó tôm chân trắng chiếm phần lớn với giá trị trên 1,3 tỷ USD - tăng 23%; tiếp đến là xuất khẩu tôm sú đạt 257 triệu USD và tôm biển các loại 154 triệu USD.

Xuất khẩu tôm có thêm lực đẩy trong năm 2021

Kết quả này có được là nhờ các thị trường chính đều gia tăng nhập hàng như thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng khoảng 45%, Nhật Bản tăng 17%, Hàn Quốc tăng 10%, Đức tăng 60%, Anh tăng 15%.

Hiện ngành tôm quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn đang hoạt động trong đó Tập đoàn Minh Phú đang là công ty đầu ngành và cũng là đơn vị có quy mô xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước. Năm 2021, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% lên mức 15.774 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 56% đạt 1.187 tỷ đồng.

Tại kỳ họp cổ đông gần đây, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Minh Phú - cho biết, doanh nghiệp đang ghi nhận những kết quả khả quan khi giá trị xuất khẩu tháng 5 tăng trưởng gần 60% và thu lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng. Vị này ước tính lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm có thể được hơn 300 tỷ đồng - tăng hơn 11% so với cùng kỳ.

Một doanh nghiệp lớn trong ngành là Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cũng có kết quả rất tích cực. Doanh thu thuần nửa đầu năm tăng 34% lên 2.129 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế cũng cao hơn 22% so với cùng kỳ đạt 113 tỷ đồng.

Tăng trưởng chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu khả quan, trong đó sản lượng tôm chiếm chủ yếu với giá trị 7.843 tấn. Lãnh đạo công ty cho biết mặc dù giá tôm nguyên liệu cao hơn cùng kỳ nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng nhờ hiệu quả thu hoạch tôm tự nuôi khả quan.

Tương tự, công ty nuôi tôm sinh thái Camimex Group vừa báo cáo doanh thu bán niên tăng 31% lên mức 933 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 32 tỷ đồng - tăng 21% so với cùng kỳ. Camimex lý giải là do lãi gộp tăng và cải thiện hiệu quả hoạt động tài chính song loạt chi phí tăng lên cũng làm thu hẹp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận công ty mẹ.

Theo Vasep, tôm luôn nằm trong top đầu tiêu thụ ở Mỹ do đó hưởng lợi lớn khi quốc gia này đã mở cửa hoàn toàn 50 bang từ giữa tháng 5. Mỹ đang chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam nên sự hồi phục của thị trường này là đòn bẩy cho doanh nghiệp bật lên mạnh thời gian tới.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú còn cho biết tình hình Ấn Độ dịch bệnh nặng nên nuôi trồng thủy sản có nhiều khó khăn, sản lượng xuất khẩu đã giảm 50%. Theo đó, nguồn cung tôm thiếu hụt nghiêm trọng và giá cả tăng liên tục từ tháng 5, dự kiến tăng mạnh vào tháng 8 - 10 để chuẩn bị nguyên liệu bán dịp lễ Noel và cuối năm.

Cước phí bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp cá tra

Ở diễn biến khác, các doanh nghiệp cá tra cũng ghi nhận hoạt động xuất khẩu tích cực trong đầu năm nhưng yếu tố lợi nhuận lại có phần diễn biến tiêu cực hơn. Sự trái ngược này chủ yếu do giá thành sản xuất và các chi phí vận chuyển, chi phí hoạt động tăng cao trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Xuất khẩu cá tra lũy kế từ đầu năm tăng 18% lên mức 788 triệu USD trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất chiếm 26% tổng lượng xuất khẩu và đang có hiệu giảm dần. Xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác như Mexico, Nga, Hà Lan, Colombia… tăng trưởng đến 3 con số (từ 100 - 450%) để bù đắp sự sụt giảm tại Trung Quốc.

Công ty đầu ngành cá tra là CTCP Vĩnh Hoàn báo cáo doanh thu thuần bán niên tăng hơn 25% lên 4.310 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 4% đạt gần 392 tỷ đồng.

Doanh thu tăng nhờ hoạt động xuất khẩu sang các thị trường khả quan. Báo cáo hoạt động xuất khẩu hàng tháng cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tăng ở hầu hết thị trường quan trọng, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ tăng trưởng 48%.

Lợi nhuận tăng chậm hơn do tác động của nhiều loại chi phí gia tăng. Cụ thể các chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí dịch vụ mua ngoài tăng đột biến lên 162 tỷ đồng, gấp đến 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Các chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 30% lên xấp xỉ 100 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn trông chờ vào dòng sản phẩm sức khỏe

Một công ty lớn trong ngành là Thủy sản Nam Việt (Navico) cũng ghi nhận khó khăn tương tự. Mặc dù lợi nhuận gộp bán niên tăng 32% lên 280 tỷ đồng, chi phí lớn khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng 16% lên 88 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận riêng quý II còn giảm hơn 26%.

Navico cho biết, lợi nhuận giảm chủ yếu do các chi phí tăng mạnh, chủ yếu là các chi phí cước tàu và vận chuyển gia tăng. Số liệu trên báo cao cho thấy chi phí vận chuyển và kiểm hàng đã lên gần 93 tỷ đồng trong nửa đầu năm - gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản Mekong (AAM) còn gặp khó hơn khi doanh thu bán niên giảm hơn 9% xuống 60 tỷ đồng và qua đó thua lỗ hơn 4 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn có lãi. Công ty lý giải giá bán thấp cùng chi phí cước tàu tăng mạnh là yêu tố gây lỗ trong kỳ.

Một đơn vị xuất khẩu thủy sản khác là Thuận Phước cũng báo cáo chi phí vận chuyển đường biển đột biến hơn 45 tỷ đồng - gấp 2,9 lần cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế bán niên của công ty giảm gần 20% chỉ còn đạt 20 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt đã chỉ ra các khó khăn của doanh nghiệp cá tra là giá bán trung bình (ASP) vẫn ở mức khá thấp khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra chưa thể quay trở về mức trước đại dịch đồng thời chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, ảnh hưởng nặng nề tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Thực tế chi phí cước biển tác động đến hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Chủ tịch Fimex ông Hồ Quốc Lực cho biết giá cước vận tải của công ty đã cao gấp 4 - 5 lần trước đại dịch như đi Mỹ khoảng 10.000 USD/container hay đi châu Âu cũng khoảng 7.500 USD/container, các chủ tàu nước ngoài chiếm lĩnh gần như toàn bộ các tuyến vận tải đường dài này.

Tương tự, Chủ tịch Minh Phú trong cuộc họp cổ đông cũng khẳng định, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều khiến giá nguyên nhiên liệu tăng rất mạnh khoảng 20 - 50%, chuỗi cung ứng lao đao và phí vận tải tăng liên tục, tình trạng không có container rỗng nên rất khó đoán định. Thiếu tôm nguyên liệu càng khiến giá thành tăng cao và ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Hoàn thành 3% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng, cổ phiếu DRH Holdings về dưới mệnh giá

CTCP DRH Holdings (HOSE: DRH) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu ...

Phiên sáng 26/7/2021: VN-Index giảm 9 điểm, thanh khoản tiếp tục suy yếu

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 9,08 điểm (-0,72%) xuống còn 1.259,75 điểm. Tai HOSE, những cổ phiếu như VPB, MBB, PLX, MWG, HPG... đồng ...

BV Land (BVL) báo lãi 6 tháng gần gấp 4 lần cùng kỳ năm trước

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, BV Land mang về gần 285 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 10 tỷ đồng LNST, lần ...

Quân Vương T/H

Tin cũ hơn
Xem thêm