Lợi nhuận doanh nghiệp săm lốp tiếp tục tăng trong quý đầu 2021

Cập nhật: 10:04 | 18/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện có 3 doanh nghiệp đáng chú ý trong lĩnh vực sản xuất săm lốp gồm CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC); CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - Mã: CSM) và CTCP Cao Su Sao Vàng (Mã: SRC).

Tập đoàn FPT chốt quyền chia cổ tức tiền mặt và thưởng cổ phiếu, tổng tỷ lệ 25%
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chốt ngày trả cổ tức tổng tỷ lệ 40%

Tại Việt Nam, ngành săm lốp bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhờ thị trường xuất khẩu được mở rộng và ngành ô tô trong nước được ưu ái bởi chính sách công. Bên cạnh đó, việc lốp từ Trung Quốc gặp khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ vì xung đột thương mại đã tạo cơ hội cho các quốc gia khác mở rộng kênh phân phối, trong đó có Việt Nam.

0214-sym-lyp-3
Lợi nhuận doanh nghiệp săm lốp tiếp tục tăng trong quý đầu 2021. (Ảnh minh họa)

CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể của các chỉ tiêu kinh doanh so với cùng kỳ. Doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng mang về hơn 912,3 tỷ đồng, tăng 13,6%.

Ngoài cải thiện quy mô doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp đã tăng lên gần 18,2%, dù giảm nhẹ so với quý liền trước (19,8%), nhưng vẫn cao hơn nhiều mức 14,7% trong quý I/2019. Đây cũng là mức cao đáng kể nếu so với biên lãi gộp bình quân trong 4 năm gần đây.

Về các khoản chi, chi phí bán hàng tăng thêm 30 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài. Nhưng bù lại, Cao su Đà Nẵng tiết kiệm được chi phí tài chính (chỉ bằng chưa đến phân nửa năm trước) và giảm nhẹ chi phí quản lý.

Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, DRC đã nâng giá bán lốp ô tô 3%, lốp xe máy và xe máy lên 5% kể từ tháng 12/2020 trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào đặc biệt là cao su và các khoản chi phí vận tải tăng mạnh thời gian qua. Điều này tác động tích cực lên tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh săm lốp này.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2021 của Cao su Đà Nẵng đạt 79,6 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng hơn 70,2% lên 63,7 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu quý đầu năm đạt 536 đồng, trong khi cùng kỳ là 315 đồng.

Cao su Đà Nẵng dự kiến tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 28/4 tới đây. Theo tờ trình gửi đến các cổ đông, kế hoạch kinh doanh năm 2021 đặt ra khá thận trọng với doanh thu kế hoạch tăng 6% lên 3.852 tỷ đồng và lợi trước thuế 300 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được trong quý đầu năm, công ty hoàn thành 23,7% mục tiêu doanh thu nhưng đã đạt được 26,5% kế hoạch lợi nhuận.

Đến cuối quý 1/2021, Cao su Đà Nẵng trở lại tích trữ tồn kho nhiều hơn, trong đó tăng nhiều nhất là nguyên vật liệu và tồn kho thành phẩm. Sau khi tăng trữ tồn kho lên khá cao trong nửa đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã giảm đáng kể quy mô hàng tồn kho trong quý 3 và quý 4/2020 - cũng là giai đoạn mà các nguyên liệu đầu vào chính của doanh nghiệp săm lốp này tăng giá mạnh.

Từ cuối tháng 1/2021, giá cao su đã hạ nhiệt, dù vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ. Nguyên nhân bởi sự thiếu hụt chip bán dẫn đang khiến chuỗi cung ứng ngành sản xuất ô tô bị đứt gãy dù nhu cầu ô tô đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể thời gian qua. Giá trị tồn kho tại ngày 31/3 đạt 847 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm trước và tương đương 34% quy mô tổng tài sản (2.496 tỷ đồng).

5935-sym-lyp-1
(Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp săm lốp)

CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - Mã: CSM) báo cáo doanh thu quý 1 tăng 14,3% đạt 1.079 tỷ đồng; lãi sau thuế 13,3 tỷ đồng, tăng 5%. Lợi nhuận tăng không tương xứng với mức tăng doanh thu là do doanh nghiệp trích lập quỹ lương cao hơn cùng kỳ khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 31 tỷ đồng lên 73,3 tỷ đồng.

Lãnh đạo Casumina cho biết trước việc giá cao su thiên nhiên tăng cao từ quý 3/2020 đến nay, doanh nghiệp cũng đã có 2 lần điều chỉnh giá bán trong tháng 12/2020 và tháng 4/2021, mỗi lần tăng 3%. Theo đó, mức biên lợi nhuận quý 2 kỳ vọng bằng quý 1 nhưng không thể bằng nửa cuối năm 2020.

Trong khi đó, với chiến lược phát triển thị trường nội địa, công ty đầu tư thêm hệ thống DMS cho ngành hàng xe đạp, xe máy, triển khai bán hàng xuống cấp 2 cùng triển khai các trung tâm dịch vụ lốp Advenza làm chi phí gia tăng.

Về hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp đẩy mạnh sang một số thị trường mới như Nam Mỹ và Đông Âu, các thị trường hiện tại gộp Brazil, Ấn Độ và Mỹ. Doanh thu xuất khẩu năm 2020 tăng 12% so với năm trước nhờ sản lượng nhóm lốp radial, chiếm tỷ trọng 60%. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ của Casumina bị hạn chế do phải chịu thuế khoảng 29% bao gồm thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp chính phủ.

Quý 1, CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC) ghi nhận doanh thu tăng 32% đạt 265 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 38% đạt 10 tỷ đồng.

Điểm hạn chế của Cao su Sao Vàng là chưa sản xuất được sản phẩm lốp radial như Casumina hay Cao su Đà Nẵng trong khi xu hướng hiện nay là chuyển đổi lốp ôtô từ bias sang radial. Do vậy, mảng kinh doanh săm, lốp ôtô của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng mảng săm, lốp xe đạp thì vẫn khả quan.

Năm 2021, Cao su Sao Vàng đặt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động thương mại là 1.000 tỷ và thu từ sản xuất công nghiệp khoảng 1.200 tỷ.

Lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 100 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với thực hiện năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức dự kiến không nhỏ hơn 5% mệnh giá.

Công ty dự định sẽ sản xuất và tiêu thụ 5,5 triệu lốp xe đạp, 1,4 triệu lốp xe máy, 377.000 lốp ô tô, 5,7 triệu săm xe đạp, 7,5 triệu săm xe máy, 295.000 săm ô tô và 199.000 yếm ô tô. Tất cả kế hoạch sản lượng trên đều tăng khoảng 32 – 49% so với tiêu thụ trong năm ngoái.

0040-sym-lyp-2
Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Cao su Sao Vàng. (Nguồn: src.com.vn).

Hoàng Hà (t/h)

Tin liên quan