Lạm phát thấp nhưng chưa thể chủ quan

Cập nhật: 14:55 | 02/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Diễn biến của 10 tháng qua có thể dự báo cả năm 2021 cũng sẽ tăng thấp nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa thể chủ quan thỏa mãn bởi vẫn có những yếu tố tác động đến lạm phát vào cuối năm, nhất là đầu năm tới.

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2021

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch

Chính sách thuế - đòn bẩy vực dậy doanh nghiệp

Diễn biến 10 tháng

Trước hết, khi bước vào năm 2021, không ít người kể cả các chuyên gia đều dự báo là CPI sẽ tăng cao, bởi vì có một số yếu tố tác động. Về quan hệ cung/cầu - quan hệ tổng quát tác động đến CPI thì cung thấp hơn cầu. Cung tăng thấp (tăng trưởng GDP 2020 chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ trước); cầu tăng cao hơn. Về tiền tệ, yếu tố trực tiếp làm cho CPI tăng/giảm và là yếu tố cuối cùng làm cho CPI biểu hiện ra, thì tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán, của dư nợ tín dụng cao hơn của huy động tiền gửi - tức là tiền từ ngân hàng ra thị trường nhiều hơn tiền từ thị trường vào ngân hàng.

Về yếu tố chi phí đẩy, giá hàng nhập khẩu tăng cao, do các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhất là các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, thông qua việc hạ thấp lãi suất cơ bản về mức gần bằng 0%, việc bơm một lượng tiền khủng (lên đến gần 20% GDP toàn cầu) ra thị trường, làm xuất hiện tình trạng "nhập khẩu lạm phát"…

5355-lamphat
Ảnh minh họa

Dù so sánh với các mốc thời gian khác nhau, thì có thể nhận xét chung là CPI trong 10 tháng 2021 thấp. Nếu nhìn vào tốc độ tăng/giảm bình quân 10 tháng 2021 so với cùng kỳ năm trước cũng tăng thấp. Chỉ có 3/11 nhóm mặt hàng tăng cao hơn tốc độ tăng chung (Giao thông tăng 9,04%; Giáo dục tăng 2,91%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,86%).

Còn 6 nhóm mặt hàng khác tăng thấp - trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất (35,56%) chỉ tăng 0,83% (riêng thực phẩm chiếm 21,28%, giảm 0,4%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình chỉ tăng 0,58%; nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép chỉ tăng 0,85%. Đặc biệt có 2 nhóm giảm (Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,04%; Bưu chính viễn thông giảm 0,76%).

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo, lạm phát trung bình năm 2021 chỉ khoảng hơn 2%. Do ảnh hưởng của COVID-19 và giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị dứt gãy nên giá một số lương thực, thực phẩm tăng cao, nhưng sự tăng giá này chỉ ngắn hạn và diễn ra cục bộ tại một số địa phương.

"Khi hết dịch, giá sẽ giảm trở lại. Về tổng thể, COVID-19 khiến thu nhập của người dân sụt giảm, nhu cầu yếu nên giá cả chưa tăng mạnh. Đối với một số nguyên vật liệu, giá có thể tăng mạnh nhưng tỉ trọng của các mặt hàng này trong rổ hàng hóa CPI không lớn. Chẳng hạn giá thép tăng mạnh, nhưng nó chỉ là một phần trong nhóm hàng hóa "nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng", nhưng cả nhóm này chỉ chiếm tỉ trọng chưa đến 20% trong rổ tiền tệ", TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.

Không thể chủ quan, thỏa mãn

TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhìn lại số liệu thống kê, CPI tăng rất thấp. Tuy nhiên, nhìn vào chỉ số giá khác như Deflator (chỉ số giá phản ánh tất cả các loại mặt hàng trong nền kinh tế, không chỉ riêng giá tiêu dùng), trong 9 tháng qua trung bình tăng 23%, gấp 10 lần so với chỉ số CPI. Trong khi đó, thông thường hai chỉ số này sẽ biến động cùng nhau.

TS. Phạm Thế Anh cho rằng, sức ép lạm phát không hề nhỏ như con số CPI phản ánh. Lý do chủ yếu do sức cầu yếu trong Quý 3, do phong tỏa, người tiêu dùng không mua sắm được; hàng hóa của doanh nghiệp bị đứt gãy, không tới tay người tiêu dùng nên giá cả không được phản ánh đầy đủ trong CPI.

"Khi nền kinh tế mở cửa, cầu tăng trở lại, sức ép lạm phát sẽ rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh tiền tệ hiện nay. Lãi suất tiền gửi thấp, nhu cầu vay vốn sản xuất gần như không có, các ngân hàng cũng khó huy động vốn. Nguồn tiền đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản rất lớn. Bong bóng tài sản đã xảy ra rồi, giá cả nhà đất tăng gấp 2, gấp 3 trong năm qua. Do vậy, dư địa chính sách tiền tệ rất hẹp", TS. Phạm Thế Anh lo ngại.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, chi phí sản xuất trong giai đoạn tới cũng sẽ tăng rất mạnh, nhưng chi phí sản xuất phản ánh vào giá thành sản phẩm sẽ có độ trễ nhất định. Hiện nay, giá cả bắt đầu tăng nhưng sức mua không nhiều. Vì vậy, Việt Nam có thể lâm vào tình trạng vừa lạm phát vừa đình trệ.

"Việc thực hiện chính sách tiền tệ cần thích ứng hỗ trợ hồi phục nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%. Đi kèm đó là các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải, không quá chặt chẽ nhưng cũng không được quá thả lỏng. Bởi hiện nay mức hấp thụ của nền kinh tế không cao, các điều chỉnh có thể sẽ phản ánh vào giá cả. Khi giá cả bùng lên, việc kiểm soát sẽ gây rất nhiều 'đau đớn'", TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.

Mặc dù 10 tháng và cả năm 2021 CPI tăng thấp so với mục tiêu, nhưng có thể sẽ tăng cao từ đầu năm sau do một số yếu tố chủ yếu. Nếu dịch được ngăn chặn, kiểm soát, thì nhu cầu khôi phục sản xuất, đời sống, kéo theo cầu sẽ tăng cao hơn cung ở trong nước (dự báo GDP cả năm 2021 theo kịch bản tích cực tăng 3 - 3,5%, theo không ít tổ chức, cá nhân khác còn thấp hơn 2,91% của năm 2020 - tức là 2 năm liền rơi xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua).

Việt Nam đã qua 2 cái Tết cổ truyền với sự biến động bất thường của thiên tai, dịch bệnh; Tết thứ 3 này có thể có nhu cầu tăng cao. Khi cầu cao hơn cung thì CPI sẽ tăng cao lên. CPI do những yếu tố trong nước cộng hưởng với "nhập khẩu lạm phát" từ nước ngoài sẽ cao hơn bình thường. Nhà nước cũng đã bỏ ra nhiều gói và sẽ còn tiếp tục có các gói kích cung, kích cầu…

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm