Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Cập nhật: 10:03 | 25/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Trước kỳ nghỉ Tết, nhiều ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lẫn ngân hàng tư nhân bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Xu hướng giảm lãi suất được dự báo chưa dừng lại, tiếp tục diễn ra sau Tết Nguyên đán, dù mức giảm không nhiều.

3953-lshuydong
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một loạt ngân hàng như Vietcombank, VPBank, Sacombank, ACB, SHB,… bất ngờ công bố điều chỉnh giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.

Cụ thể, mức lãi suất huy động tại Vietcombank kỳ hạn hạn 1-2 tháng còn 2,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,2%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 3,8%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 5,5%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng điều chỉnh giảm 0,1% ở hầu hết kỳ hạn ngắn; lãi suất các kỳ hạn từ 6-11 tháng ở mức 4%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng áp dụng mức lãi suất 5,6%/năm.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), lãi suất đầu tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trong tháng 02 giảm tới 0,4% so với tháng 01. Kỳ hạn 1 tháng hiện còn 2,35%/năm; kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng là 3,8%/năm; kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng cũng chỉ 4,6%/năm. Mức lãi suất cao đến 5,5%/năm áp dụng cho khách gửi từ 3 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn từ 13 tháng.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng giao động từ 3,25 đến 3,45%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 4,9 đến 5,3%/năm; và mức lãi suất tối đa lên đến 5,5%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng, kỳ hạn trên 24 tháng, giảm 1%.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất kỳ hạn 6 tháng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng giảm còn 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 5,6%/năm và trên 12 tháng còn 6%/năm…

Trước đó, giới phân tích dự báo nhiều khả năng sau Tết, lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi xuống trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Và đúng như dự báo, nhiều ngân hàng TMCP tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng và cả kỳ hạn dài từ 13 đến 36 tháng.

Khảo sát tại một số ngân hàng TMCP cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sau Tết Nguyên đán 2021 đã giảm nhẹ khoảng 0,5%/năm. Trước Tết, đa phần ngân hàng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Hiện tại, lãi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng cao nhất chưa tới 4%/năm, kể cả những nhà băng thường treo lãi suất ở mức cao.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 3,1%/năm; 3 tháng là 3,4%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất kỳ hạn 3 tháng trở xuống cao nhất còn 3,85%/năm nếu trả lãi trước; kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 5,7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ; và mức lãi cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngay sau kỳ nghỉ Tết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 8.529 tỷ đồng trên thị trường mở, với kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%. Đồng thời, NHNN không bơm vốn trên cả hai kênh thị trường mở và kênh tín phiếu.

Đánh giá về diễn biến thị trường tiền tệ, Công ty chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho rằng xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế trên thị trường về lâu dài, với quan điểm thị trường tiền tệ toàn cầu vẫn còn mở rộng ít nhất là trong năm 2021. Trong tuần tới, VCBS cho rằng lượng giao dịch bình quân sẽ tăng dần sau khi yếu tố mùa vụ của Tết Nguyên đán kết thúc, lợi suất trái phiếu tiếp tục dao động trong biên độ hẹp hơn cho đến khi các tin tức mới hỗ trợ, còn lãi suất liên ngân hàng giảm dần và về mức ngưỡng như trong tháng 01-2021.

Dưới góc nhìn khác, Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay không thay đổi trong tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong quý đầu năm, khi sức cầu nền kinh tế vẫn khá yếu và dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Còn theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, những năm trước, lãi suất tiền gửi thường có xu hướng tăng vào dịp gần Tết nhằm huy động nguồn vốn từ nguồn lương, thưởng của người lao động. Tuy nhiên năm nay, lãi suất tiền gửi lại giảm vào dịp sát Tết. Nguyên nhân được lý giải từ việc các ngân hàng vẫn đang dư thừa nguồn vốn từ cuối năm 2020 trong bối cảnh tín dụng chưa tăng tương xứng.

Ngân hàng chạy đua hút dòng tiền giá rẻ

Cuộc đua thu hút tài nguyên tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang diễn ra mạnh mẽ giữa các ngân hàng. Trong bối cảnh dịch ...

Kinh doanh kém hiệu quả, PG Bank đang trở thành điểm "trung chuyển tiền"?

Kết thúc năm 2020, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) báo lãi trước thuế 212 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 11,5%. Tuy ...

Lợi nhuận các ngân hàng đang bị “thổi phồng”?

Với việc lãi, phí phải thu của nhiều ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong năm qua thì chất lượng lợi nhuận đến đâu ...

Linh Đan