Lãi gửi giảm, lãi vay bàng quan, tiền dư trăm nghìn tỷ chảy về đâu?

Cập nhật: 15:25 | 10/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm, nhiều ngân hàng đang thừa tiền, trong khi dịch Covid-19 quay trở lại. Phần lớn các ngân hàng lo ngại về kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm, thế nhưng, lãi suất cho vay vẫn chưa có động thái mới.

1355-vnf-phac-hoa-dong-chay-tien-gui-tai-cac-ngan-hang-lon
Lãi suất cho vay vẫn chưa có động thái mới

Gửi tiết kiệm còn hấp dẫn?

Tại các ngân hàng thương mại lớn có vốn Nhà nước, lãi suất huy động hiện giữ nguyên so với tháng 7/2020. Nằm trong khoảng từ 3,7%-6,1%/năm với các kỳ hạn từ 1-36 tháng.

Cụ thể, các ngân hàng BIDV, Vietinbank và Agribank có biểu lãi suất huy động 1-36 tháng từ 3,7%-6%/năm. Mức lãi suất 6%/năm thuộc về các kỳ hạn từ 12-36 tháng. Vietcombank áp dụng biểu lãi suất tương tự so với 3 ngân hàng trên, riêng gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 24 tháng được hưởng lãi suất 6,1%/năm.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất nhiều kỳ hạn tiếp tục giảm. Techcombank ngay đầu tháng 8 đã giảm lãi suất từ 0,2-0,3% so với tháng trước với kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng.

SCB cũng điều chỉnh giảm 0,3% tại nhiều kỳ hạn gửi từ 1 đến 36 tháng. Lãi suất huy động cao nhất tại hình thức gửi tiết kiệm thông thường vẫn được duy trì ở mức 7,7% khi gửi tiền tại kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Tại ACB, các khoản tiền kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh giảm từ 0,3-0,45% so với đầu tháng 7 và dao động trong khoảng từ 3,7%-3,8%/năm. ACB giảm 0,5% và 0,6 % lần lượt cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, lãi suất dao động từ 5,3%-5,6%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm 0,5% so với đầu tháng 7, niêm yết ở mức 5,7%-6%/năm. Khách hàng gửi từ 30 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,5%/năm...

Với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất tại các ngân hàng đều cao hơn so với gửi tại quầy từ 0,3 đến 1,2% tùy từng ngân hàng. Mức lãi suất gửi online cao nhất tại một số ngân hàng như Việt Á, NCB lên tới 8-8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và khoảng 7,5-7,6% với kỳ hạn 7 tháng.

Bài toán nào cho việc giảm lãi vay?

Lãi suất huy động nhiều ngân hàng đã giảm và ở mức thấp kỷ lục, liệu lãi suất cho vay có giảm?

Ý kiến của giới chuyên môn cho rằng, không có nhiều dư địa để hạ lãi suất cho vay. Dư địa tiền tệ phụ thuộc vào chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát, khoảng chênh lệch này càng lớn thì dư địa càng nhiều. Lãi suất điều hành của Việt Nam đang dao động từ 3% (lãi suất chiết khấu 3%) đến 4,5% (lãi suất tái cấp vốn), xen giữa đó là trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (4,25%), trong khi đó tỷ lệ lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm là 4,19%. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát (lãi suất thực) là rất nhỏ, đồng nghĩa với dư địa còn rất hẹp.

Muốn giảm lãi suất thêm, Việt Nam cần phải giảm được tỷ lệ lạm phát. Nếu cố ép lãi suất xuống ngang lạm phát hoặc thấp hơn lạm phát, tiền sẽ chảy qua các kênh khác như trái phiếu DN, vàng, bất động sản có thể đẩy giá các thị trường này lên, hình thành “bong bóng”. Nếu điều đó xảy ra sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế, khiến quá trình hồi phục trở nên khó khăn, đồng thời tác động xấu trực tiếp tới nhóm người có thu nhập trung bình và thấp trong xã hội.

Một số ngân hàng thương mại cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay có thể sẽ giảm thêm lãi suất cho vay, nhưng mức giảm không nhiều. Thời gian qua, ngân hàng giảm lãi vay chủ yếu là chấp nhận hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ DN. Tuy vậy, ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất đến mức độ nhất định do phải bảo toàn vốn cho người gửi tiền.

Giới chuyên môn nhận định, việc các ca lây nhiễm Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng từ cuối tháng 7 có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh doanh. Để cứu DN, việc đưa ra giải pháp đột phá về lãi suất, tín dụng là cần thiết, như các gói vay lãi suất 0% cho các ngành hàng không, du lịch,... Tuy nhiên, các gói vay này - nếu có - lại liên quan đến tài khóa, không phải chính sách tiền tệ, vì sử dụng tiền ngân sách, ngân hàng chỉ là nơi giải ngân hộ.

Lãi suất PG Bank mới nhất tháng 8/2020

Biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất tháng 8 này tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) có nhiều thay đổi so với ...

Vì sao NHNN giảm lãi suất dự trữ bắt buộc?

Việc giảm lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc không giống như việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành khác như ...

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 8/2020?

Ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất trong tháng 8 tiếp tục là SHB với lãi suất 9,2%/năm áp dụng với khoản tiền ...

Linh Đan