Kỳ vọng lớn với nhóm cổ phiếu "vua"

Cập nhật: 15:44 | 26/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Dưới góc nhìn chuyên gia, cổ phiếu "vua" đang gần về mức hợp lý, không đắt, không rẻ và khi như vậy thì diễn biến giá sẽ biến động dần theo hướng chung của toàn thị trường.

Kỳ vọng lớn với nhóm cổ phiếu
Kỳ vọng lớn với nhóm cổ phiếu "vua" (Ảnh minh họa)

Tiền nhàn rỗi của người dân gửi vào kênh ngân hàng tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố số liệu về tổng phương tiện thanh toán, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2022.

Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng Hai đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm.

Tiền gửi dân cư tăng 2 tháng liên tiếp và mức tăng khá mạnh. Tại ngày 28/2, người dân để hơn 5,46 triệu tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng, tăng hơn 56.000 tỷ so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 3,01%).

Mức tăng hơn 159.600 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm nay còn lớn hơn cả mức tăng trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.600 tỷ đồng).

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng ngay những tháng đầu năm có thể là do các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh thu hút tiền gửi từ tháng 12/2021 bằng việc tăng lãi suất huy động dành cho các khách hàng cá nhân và tung nhiều chương trình ưu đãi dành cho người gửi tiết kiệm.

Theo quan sát, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,3%-0,8% trong 3 tháng trở lại đây, mặt bằng được nâng lên đáng kể.

Xét về mức lãi suất huy động cao nhất tại mỗi ngân hàng, Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng Sài Gòn với 7,6%/năm, Ngân hàng Nam Á 7,4%/năm. ACB, MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7%-7,1%/năm...

Xuất hiện kỳ vọng với nhóm cổ phiếu ngân hàng

Hai lĩnh vực là bất động sản và thị trường chứng khoán đều đang gặp những khó khăn nhất định, dẫn đến việc “nắn” dòng tiền đưa vào ngân hàng để bảo tồn nguồn vốn.

Với nhiều ngành sản xuất, việc tăng giá nguyên nhiên, vật liệu cũng làm tác động đến tâm lý, khiến nhiều người dân muốn gửi tiền vào ngân hàng để nghe ngóng thay vì mạnh dạn đầu tư.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, với cổ phiếu ngân hàng, hiệu ứng tăng trưởng tiền gửi chỉ là một yếu tố và về cơ bản thì thanh khoản cả hệ thống đang tích cực. Tuy nhiên, ngành ngân hàng gắn bó mật thiết với các chính sách vĩ mô, tài khóa, lạm phát…

Riêng với triển vọng của nhóm cổ phiếu “vua”, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, nửa đầu năm qua, cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá mạnh, nhiều cổ phiếu bị đẩy lên mức cao.

Hiện tại, sau các lần điều chỉnh, nhiều cổ phiếu nhóm này mới đang tiệm cận dần về mức hợp lý, mức định giá trong khoảng 1,5 – 1,7. Do đó, khả năng cao là cổ phiếu nhóm này sẽ còn đi ngang một thời gian nữa.

Còn theo Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, điểm rơi của nhóm ngân hàng sẽ vào quý II, quý III hàng năm. Năm ngoái, ngành ngân hàng đã có quý II vô cùng ấn tượng, các cổ phiếu tăng rất mạnh, dẫn dắt toàn bộ thị trường để phá các đỉnh lịch sử.

Ngân hàng thắng lớn quý I, dồn dập báo lãi khủng nghìn tỷ
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Cần phát triển đồng bộ thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh

Quang Huy