Giải pháp hữu hiệu cho Thị trường Chứng khoán đang “nóng” từng ngày giữa đại dịch COVID-19:

Kỳ 1: Thị trường sục sôi từng ngày

Cập nhật: 08:12 | 08/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn nền kinh tế và sức khỏe của các doanh nghiệp bị tác động lớn do đại dịch COVID-19. Bốn đợt bùng phát dịch COVID-19 ngoài cộng đồng tại Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp lao đao, điển hình là nhóm du lịch, hàng không...

“Đầu tư chứng khoán” là một cụm từ đang trở nên nóng hơn bao giờ hết với người dân Việt Nam. Chỉ số VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm và hướng đến những mốc đỉnh chắc hẳn nhiều người chưa bao giờ nghĩ đến. Vượt qua mốc 1.300 điểm, nhiều bên đưa ra các đỉnh tiếp theo của thị trường sẽ là 1.500 điểm hay 1.800 điểm.

Điều đáng nói, thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ diễn ra trong giai đoạn nền kinh tế và sức khỏe của các doanh nghiệp bị tác động lớn do đại dịch COVID-19. Bốn đợt bùng phát dịch COVID-19 ngoài cộng đồng tại Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp lao đao, điển hình là nhóm du lịch, hàng không... Thậm chí, dịch đã tác động đến các khu công nghiệp – nơi hàng trăm nghìn việc làm phải tạm ngưng cho công tác phòng chống. Thiệt hại kinh tế của nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM,… là dễ thấy.

Song, bức tranh trên thị trường chứng khoán và nền kinh tế dường như đang đối lập hoàn toàn. Nền kinh tế thế giới vẫn đang gồng mình với dịch COVID-19 bằng các gói kích thích kinh tế nhiều nghìn tỷ USD. Còn trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư lại luôn nghĩ “một mai thức dậy” chỉ số sẽ hướng đến những mốc đỉnh mới.

Như đã nêu trên, tại Việt Nam, câu chuyện thu hút giới đầu tư là chỉ số VN-Index sẽ đi lên ngưỡng bao nhiêu, 1.500 điểm hay 1.800 điểm. Những cảnh báo rủi ro trong khi “bữa tiệc” chứng khoán đang vui hơn bao giờ hết dường như trở nên khó nghe và ít được quan tâm.

5218-ttck-1
Giá trị mua/bán ròng của cá nhân trong nước và khối ngoại trên HOSE trong 5 tháng đầu năm.

Sức mạnh từ dòng tiền F0 và những con số kỷ lục về dòng tiền

Nếu như những năm trước đây, người ta thường gọi nhà đầu tư cá nhân là những nhà đầu tư nhỏ lẻ và những quỹ đầu tư nước ngoài là “cá mập” trên thị trường. Hiện giờ hai bên đã đổi vai cho nhau. Nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 85% thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam. Với giá trị giao dịch luôn duy trì trên 1 tỷ USD như hiện nay, tỷ lệ trên cho thấy lượng tiền không nhỏ đã đổ vào thị trường. Và không ít nhà đầu tư cá nhân trong nước trong đó những người mới, lần đầu tham gia thị trường chứng khoán.

Một thuật ngữ mới xuất hiện trên thị trường đó là “nhà đầu tư F0”, họ là dân văn phòng, nhân viên ngân hàng, thậm chí là ông bà chủ những doanh nghiệp đang đình đốn do COVID-19.

Dòng tiền từ những nhà đầu tư F0 cản lướt lực bán chốt lời từ các tổ chức nước ngoài. Thống kê trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị mua ròng (mua – bán) của nhà đầu tư cá nhân trong nước vượt 35.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD). Dòng tiền này áp đảo so con số rút ra gần 30.900 tỷ đồng từ các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Lý giải về sự mạnh mẽ của dòng tiền chảy vào thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng đã có sự dịch chuyển từ kênh tiết kiệm ngoài công chúng sang đầu tư chứng khoán.

Không chỉ càn lướt khối ngoại, giới đầu tư F0 tại Việt Nam còn đang thể hiện sức mạnh, phá vỡ nỗi sợ mỗi khi thị trường “căng margin”. Trước đó, mỗi khi thị trường chứng khoán chỉ nhen nhóm thông tin về cạn nguồn cho vay ký quỹ (tức công ty chứng khoán không còn đủ tiền để cho các nhà đầu tư vay) có thể khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo, thậm chí hàng loạt mã bluechip bất ngờ giảm sàn chỉ trong ít phút. Nhưng giờ nỗi sợ "bóng ma" margin giờ không còn ứng nghiệm.

5224-ttck-2
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới hàng tháng tại Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang nóng lên từng ngày, lượng người mới tham gia ngày một đông hơn. Trong ba tháng gần đây đều ghi nhận hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch được mở mới mỗi tháng, tức mỗi ngày có đâu đó 5.000 tài khoản giao dịch chứng khoán mới. Trong 5 tháng đầu năm, tổng cộng có 482.760 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới tại Việt Nam, cao hơn 22% tổng số tài khoản được mở trong cả năm 2020. Thậm chí, số tài khoản mới này còn vượt xa những gì ghi nhận được trong cả hai năm 2018 và 2019.

Tính đến cuối tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 3,25 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tương đương 3,36% dân số Việt Nam. Nếu hoạt động mở mới tiếp tục được duy trì với tốc độ như hiện nay, mục tiêu số lượng nhà đầu tư chiếm 5% dân số đến năm 2025 sẽ dễ dàng đạt được.

(Còn nữa)

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Huy Thanh