Kinh Bắc (KBC): Tổ chức liên quan đến thành viên HĐQT đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu

Cập nhật: 22:21 | 04/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Đầu tư Vinatex – Tân Tạo (Vinatex - Tân Tạo), tổ chức có liên quan đến bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, Thành viên HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC.

Cẩn trọng với những DN công bố báo cáo tài chính thiếu tin cậy, chất lượng lợi nhuận thấp

Giao dịch dự kiến thực hiện trong ngày 10/10/2022, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, Vinatex - Tân Tạo sẽ nâng sở hữu tại KBC từ 34,25 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,46% lên 39,25 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,11% và trở thành cổ đông lớn của Kinh Bắc.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu KBC giảm 3,7% xuống mức 26.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính với mức thị giá này, Đầu tư Vinatex – Tân Tạo sẽ phải chi khoảng 130 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu KBC như đã đăng ký.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc (Đầu tư Kinh Bắc), cổ đông lớn thứ hai sau ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC thông báo đã mua 1,5 triệu cổ phiếu KBC. Ước tính Đầu tư Kinh Bắc đã bỏ ra khoảng 41,85 tỷ đồng để mua vào 1,5 triệu cổ phiếu KBC.

Kinh Bắc (KBC): Tổ chức có liên quan đến Thành viên HĐQT đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu
Nếu giao dịch thành công, Vinatex - Tân Tạo sẽ nâng sở hữu tại KBC 5,11% và trở thành cổ đông lớn của Kinh Bắc.

KBC cũng là cái tên gây "náo loạn" mùa báo cáo tài chính bán niên vừa qua khi lợi nhuận bốc hơi gần 92% sau kiểm toán. Sáu tháng đầu năm, KBC đã tự báo lãi sau thuế 2.457 tỷ đồng; tuy nhiên sau kiểm toán, lợi nhuận của KBC sụt giảm mạnh 92%, chỉ còn 200 tỷ đồng, chênh lệch tới 2.256 tỷ đồng.

Được biết, tại báo cáo tự lập của KBC, “nhà tài trợ” chính cho khoản lãi 2.457 tỷ đồng là khoản “thu nhập khác”, được thuyết minh là phần chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% của KBC với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng).

KBC đã bỏ ra 96 tỷ đồng để mua 9,6 triệu cổ phần của Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng, tương đương tỷ lệ sở hữu 48%. Sau đó, KBC đã xác định giá trị của 9,6 triệu cổ phần này là 2.493 tỷ đồng, qua đó ghi nhận lợi nhuận 2.397 tỷ đồng.

Với trường hợp của KBC, không khó để nhìn ra “điểm bất thường”, đó là liệu có công ty nào có vốn chủ sở hữu lên tới hàng ngàn tỷ đồng lại chấp nhận bán cổ phần của mình với giá 10.000 đồng/cổ phần cho một công ty khác? Đó là chưa kể Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng lại là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) - một tập đoàn cũng do ông Đặng Thành Tâm (đương kim chủ tịch HĐQT KBC) làm chủ tịch HĐQT.

Trong phân tích tài chính, có ít nhất 7 trường hợp để xem đó là khoản lợi nhuận có chất lượng thấp. Một là lợi nhuận đến từ đánh giá lại hàng tồn kho. Hai là lợi nhuận đến từ việc thanh lý công ty con. Ba là lợi nhuận đến từ việc bán cho công ty sân sau chưa thu tiền. Bốn là lợi nhuận đến từ giao dịch thâu tóm và đánh giá lại công ty. Năm là lợi nhuận tạo ra khoản đầu tư vào công ty sân sau. Sáu là lợi nhuận tạo ra khoản trả trước nhà cung cấp là bên liên quan. Bảy là lợi nhuận tạo ra khoản xây dựng cơ bản dở dang dự án đình trệ kéo dài.

KBC thuộc vào trường hợp thứ tư – “lợi nhuận đến từ giao dịch thâu tóm và đánh giá lại công ty”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thảo Nguyên