Không còn nhiều 'cửa sáng' cho doanh nghiệp ngành thép

Cập nhật: 13:53 | 08/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Hầu hết các báo cáo phân tích về ngành thép được công bố trong thời gian gần đây đều cho rằng, ít có cơ hội phục hồi trong năm 2023 do tiêu thụ vẫn còn yếu và áp lực tỷ giá cũng như lãi suất lên chi phí tài chính.

Khó khăn của các doanh nghiệp ngành thép có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023
Khó khăn của các doanh nghiệp ngành thép có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023. Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/11/2022, trong số 10 nhóm hàng hóa xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sắt thép là nhóm hàng hóa duy nhất có giá trị xuất khẩu tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, tính từ đầu năm đến giữa tháng 11 giá trị xuất khẩu mặt hàng sắt thép mới đạt 7,1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ đạt 10,26 tỷ USD, tương đương với mức giảm gần 31%.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, sau năm 2021 nhiều thuận lợi, từ quý II/2022 ngành thép bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng giá thép giảm, cộng thêm tác động từ việc tăng lãi suất, chênh lệch tỷ giá…khiến kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp thép sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ trong quý II và quý III/2022.

Đáng chú ý, tình trạng này đã kéo dài sang cả quý IV và có thể sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu năm 2023.

Tương tự, báo cáo phân tích ngành thép của CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn khi tổng chi, đạt 507,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,6% kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương.

Do đó, các nhà sản xuất thép xây dựng có thể hưởng lợi (Hòa Phát, Formosa, Pomina…) và giải ngân đầu tư công đã tăng tốc dần trong quý IV/2022. Tuy nhiên, ngành bất động sản sau một năm 2022 trầm lắng, dự kiến sẽ chưa thể phục hồi trong năm 2023 nên khó hỗ trợ cho nhu cầu thép nội địa tăng trở lại.

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng toàn cầu và gián tiếp là nhu cầu sử dụng thép đã thu hẹp trong năm 2022 do lãi suất tăng và sức mua suy yếu. Điều này sẽ còn tiếp diễn khi làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo vẫn kéo dài đến tháng 5/2023. Ngoài ra, VDSC cũng không kỳ vọng về một sự bật tăng về xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại.

Thực tế, trong kỳ báo cáo tài chính quý III/2022, thị trường không khỏi “sốc” khi chứng kiến “ông lớn” ngành thép Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) lần đầu tiên công bố lợi nhuận âm 1.786 tỷ đồng sau hơn 13 năm (tính theo quý).

Thậm chí, Hòa Phát phải tạm dừng 4 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và Khu liên hợp Dung Quất từ tháng 11 để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí hoạt động mặc dù chi phí đóng cửa và mở lại mỗi lò cao vào khoảng 40 tỷ đồng và mất từ 5-7 ngày để khởi động lại một lò.

“Đây là một dấu hiệu cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về triển vọng của thị trường thép trong tương lai”, SSI Research nhận định.

Không chỉ Hòa Phát, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel - mã: TVN) cũng thông báo lỗ sau thuế 567 tỉ đồng trong quý III. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Các “đại gia” ngành thép khác như Tập đoàn Hoa Sen (UPCoM: HSG) ghi nhận lỗ ròng 887 tỷ đồng trong quý III/2022 (cùng kỳ lãi 940 tỷ đồng); Thép Nam Kim (HOSE: NKG) cũng báo lỗ kỷ lục hơn 400 tỷ đồng; thép Pomina (HOSE: POM) phải dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9 và đồng thời phải cắt giảm một số nhân sự để đảm bảo tình hình kinh doanh.

Tuệ Minh

Tin cũ hơn
Xem thêm