Khoản tiền gần 2.300 tỷ đồng trong vụ Gang thép Thái Nguyên không biết đang ở đâu

Cập nhật: 17:04 | 13/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Cáo trạng truy tố trong vụ Gang thép Thái Nguyên thể hiện chủ đầu tư dự án đã chi 4.400 tỷ đồng nhưng nhà thầu thực tế mới chỉ nhận khoảng 2.100 tỷ đồng.

Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, Hoàng Anh Gia Lai nói gì?

LG “từ bỏ cuộc chơi” smartphone, rao bán nhà máy tại Hải Phòng giá hơn 2.000 tỷ đồng

5821-tisco
Các bị cáo trong vụ Gang thép Thái Nguyên tại phiên tòa.

Chiều ngày 13/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử 19 bị cáo trong vụ gây thiệt hại 830 tỷ đồng, xảy ra tại Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiếp diễn với phần tham gia xét hỏi của các luật sư.

Tại phiên tòa, cáo trạng truy tố các bị cáo cho thấy, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC trị giá 160 triệu USD để xây dựng nhà máy thép thuộc dự án mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, do nhiều sai phạm, dự án đến nay chưa hoàn thành và TISCO đã rót vào đây 4.423 tỷ đồng.

Trong số tiền nêu trên, có 1.404 tỷ đồng tiền vay của ngân hàng VDB và 1.684 tỷ đồng vay của Ngân hàng Vietinbank nên TISCO hiện chịu thiệt hại 830 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

Tham gia thẩm vấn tại phiên xử, luật sư Trương Anh Tú (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam) hỏi đại diện TISCO về khoản tiền giải ngân trong dự án. Luật sư Tú nêu: “Chủ đầu tư đã giải ngân hơn 4.400 tỷ đồng nhưng thanh toán cho các nhà thầu hơn 2.100 tỷ đồng, vậy số còn lại đang ở đâu?”.

Với câu hỏi luật sư nêu ra, đại diện TISCO tham gia phiên tòa đã từ chối trả lời vì cho rằng việc này thuộc các phòng ban chuyên môn.

Luật sư Trương Anh Tú tiếp tục: “Kết luận điều tra thể hiện, TISCO thanh toán cho MCC 2.114 tỷ đồng, trong khi đã tiêu hơn 4.423 tỷ đồng. Vậy còn khoảng 2.300 tỷ đồng đang để ở đâu? Chắc trong tài khoản ngân hàng và trong tài khoản sẽ có lãi, khoản lãi này có thể sử dụng để khắc phục hậu quả hay không?”.

Trả lời trước tòa, người đại diện của TISCO trình bày: “Hiện nay, TISCO và MCC đang đàm phán. Với các thiết bị TISCO đã thanh toán nhưng có sai khác. TISCO đang yêu cầu MCC phải hoàn trả”.

Chưa hài lòng với câu trả lời của đại diện nguyên đơn dân sự, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Tinh nhấn mạnh lại: “Vâng rất hay, giúp khắc phục thiệt hại nhưng tôi muốn hỏi 2.300 tỷ đồng đang ở đâu?”.

Phía TISCO đáp: “Dự án này phần E (thiết kế) hơn 3 triệu USD, phần P (cung cấp thiết bị) là hơn 114 triệu và phần C (xây lắp) là hơn 42 triệu USD. Trong các hạng mục EPC này, TISCO đã thanh toán trên 90%. Tôi chỉ có thể thống kê vậy”.

Ngoài ra, trong quá trình trả lời thẩm vấn trước tòa, đại diện TISCO tiếp tục khẳng định doanh nghiệp này chưa từng có đơn yêu cầu bồi thường hoặc đơn khởi kiện trong vụ án. Trong phiên tòa này, Gang thép Thái Nguyên cũng sẽ không có đơn yêu cầu bồi thường và mọi việc hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan tố tụng.

Trong khi đó, tính đến thời điểm phiên tòa mở ra, các cơ quan tố tụng xác định thiệt hại của TISCO là 830 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Đỗ Xuân Hòa – nguyên Kế toán trưởng TISCO đã bày tỏ sự không đồng tình.

Theo bị cáo Hòa, 830 tỷ này là tiền lãi phải trả cho tiền vay của toàn bộ dự án gồm mỏ sắt Tiến Bộ và nhà máy ở Lưu Xá. Nhà máy chưa hoàn thành nhưng mỏ Tiến Bộ đã đi vào hoạt động từ năm 2014. Như vậy thì 830 tỷ đồng không thể là thiệt hại của vụ án vì mỏ hoạt động tốt...

Liên quan đến vấn đề thiệt hại trong vụ án, luật sư Trương Anh Tú cũng đã đề nghị được hỏi giám định viên nhưng chưa được đáp ứng. Bởi theo vị Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thông báo thì giám định viên không có mặt và tòa án đang phối hợp với cơ quan công an để tiếp tục triệu tập.

Hoàng Hà