Hoàng Anh Gia Lai tất toán nợ ngân hàng, lộ tham vọng lớn của “bầu” Đức

Cập nhật: 11:40 | 16/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau khi thoái vốn tại Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai để tất toán khoản nợ gần nghìn tỷ với HDBank, “bầu” Đức đang lên kế hoạch lớn với 3 dự án có tổng nguồn vốn đầu tư từ 7.000-8.000 tỷ đồng tại tỉnh Kon Tum.

Công thần lần lượt rời đi, ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai chỉ còn lại 2 người

Chứng khoán SHS chia cổ tức 12%, lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ năm 2021

Thanh toán sạch nợ tại HDBank

Mới đây, HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) đã công bố hoàn tất việc mua lại 930 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành ngày 29/12/2016, trái chủ là Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank).

Theo đó, tính đến ngày 11/6, Hoàng Anh Gia Lai đã mua lại toàn bộ trái phiếu đang lưu hành còn lại trên thị trường là 407 tỷ đồng kể từ hôm 16/5. Đây là khoản nợ vay duy nhất của Hoàng Anh Gia Lai với HDBank tính tới hết quý I.

Nguồn tiền trả nợ HDBank là từ việc bán gần 80 triệu cổ phiếu HNG theo phương thức thỏa thuận từ ngày 7/5 đến 5/6. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai hạ sở hữu tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã: HNG) từ mức 258 triệu cổ phiếu (23,28% vốn) xuống còn 178 triệu cổ phiếu (16,07% vốn).

Giai đoạn từ ngày 7/5 đến 5/6, cổ phiếu HNG ghi nhận nhiều giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn trên 10 triệu cổ phiếu/phiên, với giá thực hiện từ 10.500-10.700 đồng/cổ phiếu. Ước tính phía Hoàng Anh Gia Lai thu về trên 800 tỷ đồng sau thương vụ thoái vốn.

3448-hng
Diễn biến giá cổ phiếu HNG

Muốn đầu tư ba dự án 7.000 - 8.000 tỷ ở Kon Tum, quay lại BĐS và chế biến gỗ

Sau khi thoái vốn tại Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai để tất toán khoản nợ gần nghìn tỷ với HDBank, bầu Đức đang lên kế hoạch lớn với 3 dự án có tổng nguồn vốn đầu tư từ 7.000-8.000 tỷ đồng tại tỉnh Kon Tum.

Theo trang thông tin điện tử Ban quản lý kinh tế tỉnh Kon Tum, sáng ngày 10/6, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Bờ Y; ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai cùng các lãnh đạo khác đã tiến hành khảo sát thực địa về dự án đầu tư tại khu kinh tế này.

Dự kiến Hoàng Anh Gia Lai sẽ triển khai dự án trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000 ha; xây dựng nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW; xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén,... với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhà máy điện sinh khối sẽ sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện)

Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đã đề nghị huyện Ngọc Hồi cần đánh giá, thống kê việc sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất của các lâm trường, các hộ gia đình, so sánh lợi thế giữa việc trồng rừng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy với việc trồng cây công nghiệp, cây lương thực như hiện nay. Đồng thời, đề nghị ban quản lý khu kinh tế hướng dẫn về các thủ tục đầu tư để dự án sớm đi vào hoạt động.

Ban quản lý khu kinh tế huyện Ngọc Hồi và Hoàng Anh Gia Lai đã thống nhất sẽ hoàn tất các thủ tục về đầu tư để triển khai được dự án trong năm 2021.

Hoàng Anh Gia Lai tất toán nợ ngân hàng, lộ tham vọng lớn của “bầu” Đức
Ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức) thông tin về các dự án đầu tư của Tập đoàn tại huyện Ngọc Hồi và huyện Kon Plông. (Ảnh: ĐT/Báo Kon Tum).

Trước đó, tại buổi gặp mặt ngày 7/6, "bầu" Đức mong muốn tỉnh Kon Tum tạo điều kiện để tập đoàn triển khai 3 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư từ 7.000 đến 8.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tại huyện Kon Plông, triển khai dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (giống mô hình Học viện bóng đá mà Hoàng Anh Gia Lai đã có tại tỉnh Gia Lai) và bất động sản với tổng diện tích 80 ha.

Tại huyện Ngọc Hồi, Hoàng Anh Gia Lai sẽ triển khai dự án trồng rừng cây gỗ lớn khoảng 2.000 ha và dự án nhà máy điện sinh khối được đề cập ở trên.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cam kết sẽ hỗ trợ đền bù cho người dân có diện tích đất trong vùng dự án trồng rừng và triển khai xây dựng, đưa ba dự án đi vào hoạt động trong thời gian 5 năm.

Đáng lưu ý, Hoàng Anh Gia Lai muốn đầu tư dự án bất động sản 80 ha tại Kon Tum sau khi tập đoàn đã thoái vốn hoàn toàn khỏi mảng kinh doanh này cách đây gần 2 năm.

Trở lại giai đoạn 2002 - 2012, bất động sản từng là ngành chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai sau đó ngành bất động sản bong bóng, thị trường trong nước "đóng băng", "bầu" Đức đã lên chiến lược tái cấu trúc và quyết rút vốn khỏi mảng này.

Tháng 9/2018, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) thông qua công ty con là CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh từ HAGL để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.

Tới cuối năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất thoái nốt 48% khỏi Hoàng Anh Myanmar và chính thức rút khỏi mảng bất động sản, dồn lực cho nông nghiệp.

Với việc trồng rừng gỗ lớn, đầu tư nhà máy chế biến gỗ, ít ai biết rằng tiền thân của Hoàng Anh Gia Lai ban đầu là một xưởng chế biến gỗ đầu những năm 90. Năm 1993, "bầu" Đức xây dựng nhà máy chế biến gỗ đầu tiên và Xí nghiệp tư nhân HAGL ra đời.

Hồng Giang

Tin cũ hơn
Xem thêm