Hồ tiêu sắp trở thành sân chơi của các doanh nghiệp FDI?

Cập nhật: 18:59 | 19/01/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong khi lượng hồ tiêu xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước sụt giảm trong 2 năm gần đây thì các doanh nghiệp vốn FDI vẫn giữ vững đà xuất khẩu. Trong đó, Olam Việt Nam, Nedspice Việt Nam đang là 2 cái tên nổi bật nhất.

5416-untitled1
Ảnh: nongnghiep.vn

Doanh nghiệp nội trùng xuống, FDI trỗi dậy

Hiện nay khối doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu hồ tiêu của nước ta nhưng các doanh nghiệp FDI đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu được 70.713 tấn hồ tiêu các loại trong năm 2021, tăng 3,4% so với năm 2020 và đánh dấu đà tăng trưởng trong năm thứ 6 liên tiếp.

Tỷ trọng của các doanh nghiệp khối FDI trong tổng khối lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam theo đó cũng tăng lên mức 27,1% trong năm 2021 so với 23,9% của năm 2018 và 20,3% của năm 2019.

Ở chiều ngược lại, lượng hồ tiêu xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước năm 2021 đã ghi nhận sự sụt giảm trong năm thứ 2 liên tiếp sau khi đã tăng mạnh trong giai đoạn trước đó.

Lượng hồ tiêu xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước năm 2021 đạt 190.376 tấn, giảm 12,3% so với 216.992 tấn của năm 2020 và giảm 16% so với 226.589 tấn của năm 2019.

5454-1
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Còn theo thông tin từ Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2021 cả nước có hơn 240 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hồ tiêu.

Đáng chú ý, vị trí đứng đầu thuộc về doanh nghiệp FDI là Olam Việt Nam với khối lượng đạt 26.887 tấn, tăng 7,4% so với 25.044 tấn của năm 2020 và tăng 35,2% so với 19.891 tấn của năm 2019.

Một doanh nghiệp FDI đáng chú ý khác là Nedspice Việt Nam cũng ghi nhận khối lượng xuất khẩu tăng mạnh 11,6% so với năm 2020, đạt 20.199 tấn và đứng thứ 3 về doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam năm 2021.

Ngoài ra, một đơn vị FDI xuất khẩu hồ tiêu khác nằm trong nhóm dẫn đầu là Harris Freeman cũng tăng mạnh 27,7% trong năm qua.

5523-121
20 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam năm 2021, ĐVT: tấn. (Số liệu tổng hợp từ VPA)

Trong khi đó, lượng hồ tiêu xuất khẩu của một số doanh nghiệp lớn trong nước lại chứng kiến sự sụt giảm trong năm qua như: Công ty Trân Châu (Pearl Group) giảm 9%, Phúc Sinh giảm 21,1%, Haprosimex JSC giảm 8,8%, Gia vị Sơn Hà giảm 9,8%...

Không chỉ ở mảng xuất khẩu mà ở chiều ngược lại các doanh nghiệp FDI cũng đang dẫn đầu về nhập khẩu hồ tiêu của nước ta khi chiếm đến 75,5% tổng lượng nhập khẩu hồ tiêu của cả nước.

Đứng đầu vẫn là cái tên quen thuộc Olam Việt Nam, chiếm 46% tổng nhập khẩu với 11.663 tấn.

Tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong ngành sẽ còn tăng?

Tăng trưởng đáng kể của các doanh nghiệp FDI trong thương mại hồ tiêu cho thấy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp FDI trong ngành hồ tiêu bất chấp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sự biến động lên xuống của giá cả. Đồng thời, cũng cho thấy hồ tiêu vẫn là loại gia vị nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp FDI với lợi thế về nguồn vốn và khả năng phân phối xuyên quốc gia sẽ tiếp tục gia tăng thị phần trong sản xuất và thương mại hồ tiêu của Việt Nam trong những năm tới.

Các doanh nghiệp có vốn FDI cũng đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành hồ tiêu Việt Nam khi tích cực triển khai các dự án đầu tư sản xuất, liên kết với các địa phương trong việc cải thiện chất lượng hồ tiêu, hướng đến việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng, từ năm 2013 đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước phối hợp với Công ty Nedspice Việt Nam phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn R.A từ khi trồng, thu hoạch, phơi sấy đến bảo quản hạt tiêu phải tuân thủ bộ nguyên tắc đề ra và tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động, không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tỉnh có 65 câu lạc bộ trồng tiêu theo tiêu chuẩn R.A với 2.000 hộ, với diện tích 2.000ha, sản lượng đạt 3.500-4.000 tấn/năm, được bao tiêu 100% sản phẩm.

Công ty Nedspice cũng thu mua hơn 4.000 tấn/năm của các câu lạc bộ tham gia dự án, 12.000 tấn/năm của nông hộ ngoài dự án đạt yêu cầu chất lượng, đội ngũ nhân viên cũng tích cực hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cây tiêu, giúp bà con thay đổi nhận thức canh tác, ổn định sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì một số ý kiến lo ngại thị trường sẽ chịu sự chi phối của các doanh nghiệp FDI.

Đơn cử như trong tháng 11 vừa qua thị trường dấy lên thông tin có một công ty lớn thuộc khối FDI đã thao túng thị trường bằng cách bán một lượng hồ tiêu giá thấp ra thị trường, nhưng ngay lập tức gom mua lại với số lượng lớn hơn thông qua các đại lý/thương nhân khác nhau.

Thuận lợi và khó khăn đan xen đối với xuất khẩu hồ tiêu năm 2022

Năm 2021 vừa qua, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 260.989 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch thu về 937,9 triệu USD, giảm 8,5% về lượng nhưng kim ngạch tăng 42% so với năm 2020.

Như vậy, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm lần đầu tiên sau 6 năm, tuy nhiên giá trị thu về của ngành hồ tiêu đạt cao nhất kể từ năm 2018 nhờ giá tăng mạnh.

Giá hồ tiêu xuất khẩu hồ tiêu của nước ta năm 2021 đã tăng mạnh trở lại sau 4 năm sụt giảm với mức tăng 55,2% (tương ứng 1.278 USD/tấn) so với năm 2020, đạt bình quân 3.593 USD/tấn.

Riêng tháng 12, trong khi giá hồ tiêu trong nước chững lại và giảm thì giá hồ tiêu xuất khẩu vẫn duy trì xu hướng tăng với mức bình quân 4.710 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 11 và tăng mạnh 70,2% so với tháng 12/2020. Đáng chú ý, đây là mức giá cao nhất đạt được trong hơn 4 năm qua kể từ tháng 9/2017.

Mặc dù giá hồ tiêu tăng cao nhưng tình hình sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu trong năm qua cũng gặp không ít khó khăn do phải tạm dừng sản xuất để phòng chống dịch và chi phí đầu vào, giá cước vận chuyển tăng mạnh ở hai thị trường chính là Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng những yếu tố trên vẫn sẽ là thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022.

Tuy nhiên, giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong nay do nhu cầu thị trường tăng lên trong khi nguồn cung thế giới dần thu hẹp, đặc biệt là tại Việt Nam do người dân giảm đầu tư vào cây hồ tiêu trong khoảng thời gian giá xuống thấp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Giá tiêu hôm nay 19/1: Tiếp đà tăng, điều chỉnh đến 1.500 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay (19/1) tăng mạnh 1.500 đồng/kg ở các tỉnh trọng điểm trong nước. Hiện tại, giá thu mua theo khảo sát đang ...

Giá tiêu tăng vọt, đẩy kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tiệm cận 1 tỷ USD

Dù sản lượng xuất khẩu tiêu giảm nhẹ song kim ngạch vẫn tăng 42%, đạt 938 triệu USD nhờ diễn biến tích cực của giá ...

Hoàng Hiệp

Tin cũ hơn
Xem thêm