Hệ lụy từ phân chia dự án thành các gói thầu

Cập nhật: 11:43 | 26/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Mặc dù Luật đầu thầu và các Thông tư quy định rõ: Lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng… Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế hiện có tình trạng chia nhỏ gói thầu mua thuốc, vật tư y tế nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc không phải qua đấu thầu. Việc làm này trái với quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân cũng như quỹ KCB BHYT.

Coi chừng phạm luật

Cách đây không lâu, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có Kết luận số 09 về việc BVĐK tỉnh Gia Lai làm chậm công tác đấu thầu, chia nhỏ các gói thầu để chỉ định thầu trái luật. Thanh tra tỉnh khẳng định, việc làm này trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại về kinh phí và ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân.

Theo kết luận thanh tra, BVĐK tỉnh Gia Lai đã chia nhỏ các gói thầu, ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu mua vật tư, hóa chất cho từng đợt mua sắm với giá dưới 100 triệu đồng (tổng giá trị các mặt hàng hơn 95 tỉ đồng). Bên cạnh đó, có 361 mặt hàng BV này không tổ chức đấu thầu.

Theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013, việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất của BV không thuộc trường hợp chỉ định thầu. Đồng thời, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 cũng nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định nhằm mục đích chỉ định thầu. Song tại BVĐK tỉnh Gia Lai có việc chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu cũng như không tổ chức đấu thầu với 361 mặt hàng. Việc làm trái quy định pháp luật của BVĐK tỉnh Gia Lai đã làm thiệt hại ngân sách và nguồn thu sự nghiệp của BV với số tiền gần 2 tỉ đồng.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Giám đốc BVĐK tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với những hạn chế, thiếu sót trong công tác đấu thầu thuốc; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với những sai phạm liên quan đến công tác mua sắm vật tư, hóa chất.

Bất thường trong hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang?
Một số trường hợp chủ đầu tư cố ý chia nhỏ gói thầu để nhà thầu ruột có thể đáp ứng năng lực, nên rất dễ dẫn đến việc khi thi công đồng loạt các gói thầu nhỏ, nhà thầu sẽ không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Ảnh minh họa

Mới đây, tại gói thầu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang làm chủ đầu tư cũng có dấu hiệu chưa tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, gói thầu số 02: “Vắc xin”. Hình thức lựa chọn nhà thầu đấu thầu rộng rãi, trong nước, không sơ tuyển, không qua mạng “Một giai đoạn một túi hồ sơ” bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu qúy 2 năm 2020. Giá gói thầu 4.072.021.040 VND. Quyết định số 580/QĐ-BVĐG ký ngày 30/06/2020, người ký là ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc bệnh viện. Đơn vị trúng thầu: Công ty cổ phần Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội và Công ty TNHH Dược liệu trung ương 2 Phytopharma Sài Gòn. Giá trúng thầu 3.170.122.080 VND, tiết kiệm 901.898.960 VND.

Qua trao đổi với ông Hoàng Khánh Hoà – Trưởng khoa Dược và bà Ngô Thị Hồng Minh – Trưởng phòng Kế hoạch cho biết, hiện tại có 2 thông tư về đấu thầu qua mạng. Một là Thông tư 11/2019, Điều 29 nói về lộ trình áp dụng từ 1/1/2020 là đấu thầu qua mạng với gói thầu dưới 5 tỷ. Nhưng Thông tư 04/2017, Điều 2 thì lại không áp dụng với gói thầu mở hàng hoá riêng lẻ. Đây không phải đấu thầu trọn gói mà là từng mảng.

Ông Hoà cho biết, quyết định phê duyệt kế hoạch số 1880/QĐ-UBND ngày 11/05/2020. Tổng giá trị gói thầu 4.072.021.040 VNĐ. Hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi trong nước. Phương thức: 1 giai đoạn, 1 túi hồ sơ, Quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu. Ông Hoà nhấn mạnh, tại Khoản 2, Điều 1, TT 04/2017 của Bộ KHĐT quy định chi tiết về đấu thầu qua mạng có ghi: Không áp dụng đối với gói thầu chia làm nhiều phần… Bên bệnh viện chia làm nhiều phần chứ không phải trọn gói.

1905-image001
Ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc bệnh viện ký Quyết định số 580/QĐ-BVĐG lựa chọn nhà thầu.

Liên quan đến thông tin hồ sơ pháp lý liên quan đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu, với chỉ số tiết kiệm khác thường liệu bước xây dựng giá dự toán đã sát sao chưa, hồ sơ dự thầu… Ông Hòa cho biết là tài liệu mật không thể cung cấp. Vậy việc chia làm nhiều phần như ông Hòa nói có vi phạm Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT “Năm 2020: Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc gói thầu có tính đặc thù”?

Quan trọng nhất vẫn là người thực hiện

Việc phân chia dự án thành các gói thầu nếu không hợp lý, dù có tiềm ẩn tiêu cực hay không, thì đều có thể dẫn đến những lãng phí không cần thiết. Dễ nhìn thấy là lãng phí trong khâu tổ chức đấu thầu. Còn đối với nhiều trường hợp cố ý chia tách dự án thành các gói thầu nhỏ vì mục đích cá nhân, thì hệ lụy chắc chắn sẽ rơi vào chất lượng của công trình, dự án để bù lại những khoản hoa hồng, lót tay. Một số trường hợp chủ đầu tư cố ý chia nhỏ gói thầu để nhà thầu ruột có thể đáp ứng năng lực, nên rất dễ dẫn đến việc khi thi công đồng loạt các gói thầu nhỏ, nhà thầu sẽ không đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Theo một số chuyên gia và nhà thầu, việc phân chia gói thầu sao cho “đo vải may áo”, chiếc áo năng lực vừa vặn với nhà thầu mà chủ đầu tư nhắm tới không còn là vài ba trường hợp, mà là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Thậm chí, có nhà thầu còn thở dài chán nản: “Đấy là chuyện thường ngày ở huyện!”. Có thể điều này cũng chính là mầm mống nảy sinh cơ chế xin - cho, gia tăng tham nhũng, làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong đấu thầu…

Theo ông Trần Tiến Dũng (chuyên gia tư vấn đấu thầu độc lập), bản chất sâu xa của các vụ việc này là do không nghiên cứu kỹ luật pháp, không làm tốt các khâu tiền kiểm về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Để xảy ra tình trạng này, theo một số chuyên gia, ngoài chủ đầu tư, thì người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các cơ quan chức năng liên quan cũng có một phần trách nhiệm, quản lý chặt hay thả lỏng, xử phạt nghiêm hay chỉ làm cho lấy lệ?

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc phân chia dự án thành các gói thầu là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người thực hiện phải có đủ cả tâm và tầm.

Hai chữ “tâm” và “tầm” trong nhận định này có thể hiểu, cần đủ “tâm” để không tư lợi, để khách quan khi phân chia dự án hướng đến mục đích chung là đem lại hiệu quả cao nhất cho công tác lựa chọn nhà thầu và hiệu quả kinh tế của dự án. Nhưng như vậy chưa đủ, cần cả “tầm” để phân chia sao cho hợp lý nhất, không quá lớn không quá nhỏ, đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện dự án, tăng cường tính cạnh tranh trong đấu thầu. Đặc biệt là người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu rất cần đủ tầm để phê duyệt đúng, để chặn cái sai ngay từ đầu, chứ không “gật đầu bừa”.

Ngoài ra, để đưa hoạt động đấu thầu đi đúng hướng vì mục đích cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, theo TS. Trần Tiến Dũng, cần tăng cường đào tạo, tuyên truyền, răn đe nhằm nâng cao nhận thức của các bên có liên quan, từ người làm công tác đấu thầu trực tiếp, chủ đầu tư, cho tới người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, ông Trần Tiến Dũng cho rằng: “Việc giáo dục, tuyên tuyền chỉ mang ý nghĩa chung là giúp người thực hiện tự giác chấp hành pháp luật, hình thành thói quen, phong cách thượng tôn pháp luật”. Quan trọng hơn phải là ý thức tự thân. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do như FTA, TPP, EVFTA…, việc tuân thủ luật pháp, cam kết trong hợp đồng được đặt lên hàng đầu. Muốn vươn mình ra đấu thầu các gói thầu quốc tế, quy mô lớn và tránh nguy cơ bị kiện ra tòa, thì việc tuân thủ nghiêm pháp luật trong nước chính là nền tảng để thực hiện quy định luật pháp quốc tế”.

Thanh Hóa: Vì sao gói thầu 15B không đấu thầu qua mạng?

Bất chấp các quy định về việc đấu thầu qua mạng, UBND thành phố Thanh Hóa vẫn tiến hành thực hiện đấu thầu trực tiếp ...

CTCP Công nghệ Y tế BMS có được gọi là nhà thầu "quen mặt" tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam?

Vừa qua, hàng loạt thông tin liên quan đến đấu thầu tại Bệnh viện Bạch Mai và CTCP Công nghệ Y tế BMS (Công ty ...

Thấy gì từ gói thầu hơn 22 tỷ đồng mở rộng Nghĩa trang quận Đồ Sơn?

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam nhận được phản ánh của người dân liên quan đến gói thầu xây dựng do ...

PV