Hàng nghìn tỉ đồng từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh đã và đang bị thất thoát

Cập nhật: 05:15 | 07/11/2018 Theo dõi KTCK trên

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” diễn ra tại Hà Nội ngày 6/11, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ các hạn chế trong quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

hang nghin ti dong tu nguon dat mat bang kinh doanh da va dang bi that thoat Báo cáo hoàn chỉnh, chi tiết về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước
hang nghin ti dong tu nguon dat mat bang kinh doanh da va dang bi that thoat Còn tâm lý chờ đợi, e ngại khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
hang nghin ti dong tu nguon dat mat bang kinh doanh da va dang bi that thoat Năm 2018, Quốc hội giám sát chuyên đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Nhiều kẽ hở trong cổ phần hoá DNNN

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, quá trình cổ phần hoá DNNN trong năm 2018 đang bị chậm chững lại đáng quan ngại. Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, trong 9 tháng, cả nước mới có 10 DNNN được phê duyệt phương án CPH với giá trị trên 30.000 tỉ đồng, tức khoảng 12% tổng số 85 DNNN phải hoàn thành CPH năm 2018 theo kế hoạch phê duyệt.

Nhìn chung, quá trình CPH DNNN không chỉ chậm về tiến độ, mà việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo tài chính hoạt động cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đến nay, còn hơn 500 DNNN đã CPH chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định. Sau hơn 20 năm thực hiện CPH, thoái vốn DNNN, tính đến 31/12/2017, cả nước mới chỉ phê duyệt phương án CPH của 32 đơn vị sự nghiệp công lập và tỷ lệ thoái vốn nhà nước mới đạt khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Hơn nữa, ước tính hàng nghìn tỉ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu NSNN từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà DNNN nắm giữ khi CPH”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Theo TS. Phong, nguyên nhân sự chậm trễ và thiếu hiệu quả, thậm chí méo mó trong quá trình CPH DNNN thời gian qua không chỉ do sự chưa đồng bộ và hoàn thiện của luật định liên quan, mà còn do hạn chế về nhận thức, quyết tâm chính trị và cả sự chi phối của lợi ích nhóm và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu DNNN, cũng như đơn vị chủ quản.

hang nghin ti dong tu nguon dat mat bang kinh doanh da va dang bi that thoat
Toàn cảnh diễn đàn.

Đặc biệt, còn nhiều điều đáng quan ngại về thất thoát tài sản công, kể cả hiện tượng tư nhân hóa ngầm các DNNN. Biểu hiện tập trung điển hình ở một số vụ bán cổ phần DNNN với giá quá rẻ, thấp hơn nhiều so với giá trị thực của DNNN.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 15/2/2017, Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016, cả nước có tới 60 trường hợp DNNN sau CPH được cơ quan có thẩm quyền (tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Nam Định, Quảng Ninh) cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH và không thực hiện đấu giá khi CPH. Nhiều dự án thậm chí còn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với NSNN.

Trong khi đó, theo báo cáo của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), năm 2016, theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa 66 doanh nghiệp (trong đó có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 doanh nghiệp độc lập) với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỉđồng. Tuy nhiên, 18/35 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra.

Ông Đặng Quyết Tiến cho hay: “Tính đến tháng 10/2018, mới có 10% doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy là rất chậm. Mặc dù vậy, kết quả gần đây cho thấy, doanh nghiệp bán vốn đều được giá trị cao hơn, tức là đã có sự thay đổi về chất. Tuy vậy, các doanh nghiệp chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia. Có trường hợp đáng không bán được, chẳng hạn như GENCO 3. Họ kinh doanh khá tốt nhưng cách làm không chuẩn”.

Kiên quyết xử nghiêm hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”

Theo Ths. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế & Chính trị thế giới, để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ và hài hòa lợi ích, khuyến khích xã hội hóa đầu tư, kể cả thu hút vốn nước ngoài vào quá trình CPH DNNN, cùng với việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho CPH DNNN một cách thực chất, cần rà soát và chốt chặt, làm rõ kế hoạch và trách nhiệm cá nhân cụ thể về CPH, thoái vốn DNNN cho từng năm; đề cao kỷ luật chấp hành chỉ đạo trong công tác CPH của các bộ, ngành và địa phương; đồng thời xử lý lợi ích để giải tỏa tâm lý lãnh đạo DNNN sợ mất vị trí, quyền lợi sau CPH.

Ngoài ra, cần tăng cường minh bạch thông tin và cụ thể hóa cơ chế tính giá trị, nghĩa vụ và quyền sử dụng đất đai, khắc phục tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm và ngại bộc lộ nhiều “vùng tối” về các mối quan hệ pháp lý, đất đai, nợ nần và quyết toán tài chính của DNNN...

Ths. Nguyễn Trần Minh Trí cho rằng, việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, thất thoát tài sản công trong quá trình thực hiện CPH DNNN. Thực tế cho thấy, giá trị sổ sách tài sản trên đất có thể rất thấp, nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất sẽ cực kỳ quan trọng và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đơn cử, quỹ đất vàng trên đường Lê Duẩn của Công ty Xổ số Kiến Thiết TP.HCM được định giá hơn 800 tỉ đồng, nhưng khi tổ chức đấu giá, thu được gần 2.000 tỉ đồng.

hang nghin ti dong tu nguon dat mat bang kinh doanh da va dang bi that thoat
Cần đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH.

Hay như giá trị Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), theo phê duyệt của UBND TP. Hà Nội ngày 1/7/2016, là 4.043 tỉ đồng, bao gồm những vị trí đắc địa (Tràng Thi, Ngô Thì Nhậm, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Cát Linh, Phạm Ngọc Thạch...). Do đó, việc tổ chức đấu giá nghiêm túc chắc chắn sẽ thu về con số gấp nhiều lần mức giá khởi điểm chủ quan trên.

“Thực tế không chỉ đòi hỏi cần tổ chức thanh tra, kiểm toán lại các vụ chuyển nhượng đất đai, hồi tố và truy thu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định hiện hành, trục lợi gây thất thoát tài sản công và thất thu NSNN; mà còn cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị”, Ths. Minh Trí cho biết.

Đặc biệt, để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, tránh giá trị cổ phiếu ảo, cần đưa giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất. Nhà nước không cho doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường; tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013.

Đồng thời cần bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DNNN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN.

“Hơn nữa, quá trình đấu giá cần được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở phải thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê và thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm khắc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật (như nộp hồ sơ quá gấp gáp hay bắt tay nhau) để gạt người khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi cổ phần hóa DNNN”, Ths. Nguyễn Trần Minh Trí đề nghị.

“CPH DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu và đổi mới hoạt động của DNNN. Quá trình này không phải đẩy nhanh bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả, nhất là đối với các DNNN lớn, nhưng cũng không thể để chậm trễ, dễ gây thất thoát tài sản công và cản trở quá trình đổi mới, phát triển chung của nền kinh tế”.

Tâm An

Theo cafeland.vn