Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo

Cập nhật: 11:39 | 06/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát hiện một số website quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của nhiều doanh nghiệp không phù hợp quy định pháp luật, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng.

Xử phạt Dược Trung ương Mediplantex vi phạm thuốc kém chất lượng

Xử phạt Công ty Dược Vật tư y tế Hải Dương do sản xuất thuốc kém chất lượng

TPBVSK Khớp Khánh Vân vi phạm hàng loạt quy định quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng

Cụ thể, tại website: https://www.giamcanslimvita.top đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty CP kinh doanh và thương mại Everest (địa chỉ: Tầng 12 tòa nhà Văn phòng Viwaseen Tower, số 48 đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) là đơn vị chịu trách nhiệm.

3606-quangcao
Sản phẩm Slimvita Plus được quảng cáo có công dụng như thuốc giúp giảm béo

Trên website: https://www.suckhoe110.com đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mr 1h không phù hợp với một trong các tài liệu, vi phạm quy định.

Công ty cổ phần Thảo Mộc Đường (địa chỉ: Số nhà 12B, ngõ 741 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) là đơn vị công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm Mr 1h.

3607-quangcao1
Sản phẩm TPBVSK Mr 1h được cấp phép nội dung quảng cáo với công dụng hỗ trợ bồi bổ sức khỏe, mạnh gân cốt, hỗ trợ tăng cường sinh lực, tăng khả năng sinh lý

Tiếp đến là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vsanté Fradetox- saveur citron do Công ty TNHH thương mại Vsanté Châu Á (địa chỉ: số 300, Phố Mai Anh Tuấn, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm hiện được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh trên website: http://dinhduongchuan.com.

Qua quá trình hậu kiểm đối với các trường hợp vi phạm này, cả 3 đơn vị công bố sản phẩm, gồm: Công ty CP kinh doanh và thương mại Everest, Công ty cổ phần Thảo Mộc Đường, Công ty TNHH thương mại Vsanté Châu Á đều không thừa nhận các website quảng cáo vi phạm là do công ty thực hiện. Đồng thời, không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo đến người tiêu dùng về việc quảng cáo các sản phẩm Slimvita Plus , Vsanté Fradetox- saveur citron , Mr 1h tại các website này.

3610-quangcao2
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vsanté Fradetox- saveur citron được quảng cáo là trà giảm cân trên môi trường mạng xã hội

Ngày 04/05/2021, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo đến người tiêu dùng tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm. Khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus, Vsanté Fradetox- saveur citron, Mr 1h trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc.

Theo tìm hiểu, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimvita Plus, Vsanté Fradetox- saveur citron, Mr 1h được “rao bán” tràn lan trên môi trường mạng xã hội thông qua nhiều website không chính thức của công ty do chưa đăng ký với Bộ Công thương. Điểm chung, các website vi phạm sau khi bị Cục An toàn thực phẩm phát hiện sẽ lập tức bị khóa-bỏ, nhiều website vi phạm tương tự được mọc lên bất chấp lời cảnh báo từ cơ quan quản lý, cụ thể như một số website: https://www.duocphamngoai.com/; https://sieuthisongkhoe.com/.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý hành chính, mức xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: "Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc"; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: "Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định"; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Quảng cáo là hoạt động cần thiết nhằm giới thiệu các sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi thông tin quảng cáo sai sự thật khiến người mua phải sản phẩm kém chất lượng. Chế tài xử phạt dường như chưa đủ sức răn đe khi hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn khó kiểm soát, thậm chí vô tư sử dụng hình ảnh của bác sĩ, dược sỹ, bệnh nhân để lừa dối người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp công bố sản phẩm sau khi làm việc với Cục An toàn thực phẩm đã “phủi” trách nhiệm trước người tiêu dùng khi không thừa nhận hành vi vi phạm. Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình, cũng như đảm bảo sức khỏe trước những sản phẩm kém chất lượng.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về công dụng của của sản phẩm tại cổng tra cứu của Cục An toàn thực phẩm (https://vfa.gov.vn/) trước khi đưa ra quyết định mua và sử dụng sản phẩm.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm