Hà Nội: Tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút vốn FDI

Cập nhật: 09:56 | 05/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, năm 2020, thành phố đã thu hút được 3,72 tỷ USD đầu tư nước ngoài - đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI.

Cùng với đó, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 3,98% so với năm 2019 trong đó khu vực dịch vụ năm 2020 tăng 3,29% so với năm ngoái (đóng góp 2,1 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP), thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,27% của năm 2018 và 7,59% của năm 2019. Các ngành, lĩnh vực như du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, vui chơi, giải trí... bị tác động nặng nề do đại dịch COVID-19.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề dẫn đến tăng trưởng GRDP năm nay đạt thấp so với kế hoạch và mức tăng trưởng của các năm trước.

5423-vyn
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,7% so với năm trước, trong khi vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt hơn 413 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019. Thu ngân sách đạt hơn 280 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9%. Thủ đô nằm trong danh sách ít địa phương hoàn thành vượt mức đối với chỉ tiêu này

Kim ngạch xuất khẩu đạt 16 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm trước, song vẫn là mức tăng thấp. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ là điểm sáng trong khu vực dịch vụ năm 2020 với mức tăng 8,84%. Đây là một trong những ngành đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của thành phố (đóng góp 0,81 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP).

Ngoài ra, khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng 6,39% so với năm 2019, đóng góp 1,43 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP.

Thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt 3,72 tỷ USD năm 2020, đứng thứ hai cả nước (sau Bạc Liêu).

Trong năm 2020, thành phố có 26,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với năm 2019; vốn đăng ký đạt 337,7 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với năm ngoái. Thêm vào đó, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể đạt 2.452 doanh nghiệp - tăng 15%, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 11.600 - tăng 57%; số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 6.298 doanh nghiệp - tăng 21%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn, góp phần hỗ trợ các đơn vị ra đời và phát triển.

Năm 2020, thành phố đã nỗ lực thu hút đầu tư và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phát triển ngày càng thuận lợi thông qua hoạt động xúc tiến. Đây là điểm nhấn nổi bật, thể hiện trách nhiệm, năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý kinh tế của các cơ quan chức năng, qua đó khẳng định Hà Nội tiếp tục là địa điểm đầu tư an toàn, ổn định.

Bất chấp dịch COVID-19, dòng vốn đầu tư vẫn chọn Hà Nội

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn nhưng Hà Nội tiếp tục thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điểm nhấn nổi bật trong thu hút đầu tư là việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, cũng như nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư của TP. Hà Nội. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020 thông qua 4 hội nghị Hợp tác đầu tư & Phát triển, Hà Nội đã trao quyết định đầu tư cho 264 dự án với tổng vốn hơn 854.000 tỷ đồng; ký hàng chục biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, DN, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài giá trị hàng chục tỷ USD. Đặc biệt tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư & Phát triển” tổ chức tháng 6/2020, TP. Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng so với năm 2019.

4715-hue

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao chứng nhận đầu tư cho các dự án tại Hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển'' (Nguồn ảnh: Kinhtedothi.vn)

Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết: Từ năm 2016 - 2019, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp cho thu ngân sách đạt 3,416 tỷ USD; cung ứng việc làm cho trên 310.370 lao động (chiếm 11% số lao động trong các doanh nghiệp). Riêng năm 2019 là năm thứ 2 TP. Hà Nội đứng đầu cả nước thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,669 tỷ USD.

Trong giai đoạn này, thành phố đã có 99.503 doanh nghiệp đăng ký thành lập (tăng 24% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký trong 5 năm trước) với số vốn đăng ký là 1,225 triệu tỷ đồng (tăng 118% so với tổng số vốn đăng ký trong 5 năm trước). Riêng 11 tháng 2020, toàn thành phố đã thành lập mới 24.600 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 303,3 nghìn tỷ đồng.

Những thành quả thu hút vốn đầu tư của Hà Nội được nhiều nhà quản lý, giới chuyên gia đánh giá cao. Từ góc nhìn của giới đầu tư, Giám đốc Công ty Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia Kyle Kelhopher chia sẻ: "Hà Nội có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là về hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao hấp dẫn nhà đầu tư, dự án có hàm lượng công nghệ cao và đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng". Trong khi đó, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Takeo Nakajima xác nhận, có 41% DN Nhật Bản đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Rõ ràng, đây cũng là thông tin thú vị để Hà Nội tận dụng thứ hạng trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua đó gia tăng thu hút vốn đầu tư Nhật Bản.

Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi

Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội xác định mục tiêu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường tăng 50% so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng lên trên mức 30% vào năm 2025. Mặc dù đặt mục tiêu thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài nhưng theo Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương: TP. Hà Nội đẩy mạnh hoạt động thu hút vốn FDI theo phương châm là thu hút có chọn lọc, hiệu quả. Để đạt mục tiêu này ,TP. Hà Nội xây dựng chiến lược thu hút FDI với từng thị trường dựa vào thế mạnh của họ.

“Trong giai đoạn tới Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ, châu Âu, Australia và New Zealand sẽ là những thị trường mục tiêu TP Hà Nội hướng tới trong quá trình thu hút vốn FDI”, ông Phương nói.

Hiện tại, thành phố đang triển khai một số giải pháp gồm: Tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi; xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025; hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh; kê khai và nộp thuế; bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng... Quan trọng hơn cả TP. Hà Nội luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đẩy mạnh đào tạo lao động.

Ngoài ra, thành phố cũng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài là những chủ đầu tư dự án thuộc ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: Từ năm 2016 đến nay, TP. Hà Nội liên tục tổ chức hội nghị về hợp tác đầu tư thu hút một lượng lớn vốn FDI đã khẳng định nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và quyết tâm đồng hành của chính quyền TP. Hà Nội. Đây cũng là tiền đề để hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.

Điểm tin giao dịch cổ phiếu mới nhất ngày 5/1/2021

Những thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như HPG, BPW, VIB, HFS,... được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt ...

Hà Đô muốn huy động 210 tỷ đồng cho dự án điện gió tại Ninh Thuận

CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) sẽ huy động số tiền nêu trên thông qua việc phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây ...

Khuyến nghị bán cổ phiếu DHC (Đông Hải Bến Tre) tại kháng cự 61.95x đồng

Đồ thị giá của DHC của CTCP Đông Hải Bến Tre có dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn đi ngang và xác lập mức cao ...

Hữu Dũng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm