Hà Nội năm 2045: Kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế

Cập nhật: 15:16 | 27/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, sáng 27/1, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ 5 định hướng lớn và 3 khâu đột phá của Thành phố thời gian tới, với mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Hà Nội năm 2045: Kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ảnh: VGP

Theo ông Nguyễn Văn Phong, nhìn lại chặng đường đã qua, vui mừng trước những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân TP. Hà Nội không tự mãn, luôn trăn trở về những việc chưa làm được, những yếu kém, khuyết điểm trong nhiều lĩnh vực.

Nhìn thẳng yếu kém, khuyết điểm

Kinh tế Thủ đô tuy đã có sự tăng trưởng khá về quy mô và tốc độ nhưng chất lượng và tính bền vững chưa cao.

Thành phố cũng chưa khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế trên địa bàn Thủ đô. Về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế, lúng túng, bị động, chưa theo kịp thực tiễn, chưa đạt yêu cầu.

Cải cách hành chính có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, đâu đó vẫn còn để xảy ra những vấn đề bức xúc của dân.

Các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước.

Những chuyển biến trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ còn chậm, chưa tương xứng với sự phát triển của Thủ đô. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn thấp, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số cấp uỷ, tổ chức Đảng chưa cao. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội ở một số cơ sở còn hạn chế…

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị-xã hội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

5 định hướng lớn và 3 khâu đột phá

Lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội cho biết thành phố sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện có hiệu quả việc thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn.

Tranh thủ thời cơ từ hội nhập quốc tế, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế, chính sách để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô. Sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của OECD.

Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá-xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội, là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương, văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.

TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung vào 3 khâu đột phá trên các lĩnh vực.

Một là, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch…Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn Thành phố. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII: Thảo luận Văn kiện đại hội

Ngày 27/1 - ngày làm việc thứ ba của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, đại hội ...

Huy động sức mạnh, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân xây dựng và phát triển đất nước

Ngày 26/1, bên lề Phiên họp khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các ...

Các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế chúc mừng Đại hội Đảng

Tính đến ngày 22/1/2021, Đại hội XIII của Đảng nhận được 215 điện mừng từ 105 đảng, 4 tổ chức khu vực và quốc tế, ...

Theo baochinhphu.vn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm