Hà Long - Hà Trung (Thanh Hóa): Đời sống nhân dân được đổi mới từ xã nông thôn mới

Cập nhật: 10:54 | 15/06/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Hà Long, một xã miền núi cách trung tâm huyện Hà Trung về phía Tây Bắc 12km, và cách TP. Thanh Hóa 40km. Là xã thuần nông, có tổng diện tích tự nhiên 4.843,01ha. Chủ yếu là 2 dân tộc Kinh và Mường sinh sống, toàn xã có 2.584 hộ với 10.286 nhân khẩu được chia thành 12 thôn. Cả xã có 353 đảng viên, sinh hoạt ở 16 chi bộ. Hà Long được biết đến là một vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi phát tích của Vương triều Nguyễn, và là vùng đất có nhiều sản vật nổi tiếng như gạo nếp Qúy Hương dẻo thơm đặc trưng, Dứa...

ha long ha trung thanh hoa doi song nhan dan duoc doi moi tu xa nong thon moi

Lễ công bố xã Hà Long về đích nông thôn mới


Năm 2011 thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được sự thống nhất của Thường trực Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Hà Trung đã lựa chọn xã Hà Long là một trong 3 xã điểm của huyện. Ngày 18/3/2014 UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 721/QĐ-UBND chọn xã Hà Long vào danh sách một trong các xã điểm của tỉnh. Đây là một vinh dự lớn đối với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Hà Long, nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn.

Bắt tay vào xây dựng NTM, Hà Long chỉ là 1 xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, chưa có ngành nghề truyền thống, hạ tầng cơ sở còn thiếu nhiều, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Năm 2011 thu nhập bình quân đầu người mới đạt 16,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao 14,9%; đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 31%; đường giao thông nội đồng được bê tông hóa 13,5%; kênh mương nội đồng được cứng hóa 25%, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng chưa đảm bảo đi lại phục vụ sản xuất.

Xác định xây dựng NTM, việc phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung quan trọng, mang tính ổn định bền vững. Từ đó cấp ủy chính quyền xã Hà Long đã ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội. Tập chung xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Quy hoạch vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, với diện tích 261ha cho năng suất hàng năm bình quân đạt từ 65 - 70tạ/ha/vô. Quy hoạch mở rộng diện tích lúa nếp cái hoa vàng 100ha năm 2017, cho giá trị 65-67 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa thường.

Mở rộng diện tích cây dứa lên 500 ha, thu nhập bình quân 140triệu/ha/năm. Diện tích mía nguyên liệu từ 430 - 450 ha, giá trị bình quân đạt 62,7triệu/ha. Tập trung phát triển kinh tế trang trại đồi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập bình quân từ 100-120 triệu/ha. Phát triển chăn nuôi chủ yếu tập trung vào loại hình gia trại với tổng đàn gia súc luôn đạt từ 2000-2500 con, trong đó đàn trâu từ 500-650 con; đàn lợn từ 1000 đến 1500 con; đàn gia cầm từ 20-22 nghìn con. Chuyển đổi 40 ha cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình l lúa, 1 cá. Đấu mối liên kết, liên doanh với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để thu mua sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân.

Ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, xã đã ra Nghị quyết ban hành nhiều cơ chế xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế- xã hội như: Từ năm 2013 đến nay hỗ trợ các thôn làm đường GTNT với tổng số tiền 877.719.000đ; Hỗ trợ nâng cấp, cải tạo nhà văn hóa thôn với số tiền 420.000.000đ; Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà tiêu, hợp vệ sinh từ năm 2013 với tổng số tiền 21.800.000đ. Tu sửa và xây dựng công sở xã, nhà văn hoá xã và các hạng mục khuôn viên khu công sở với số tiền khoảng 20 tỷ đồng. Nâng cấp cải tạo nhà điều trị trạm Y tế, số tiền 546 triệu. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cho 4 trường học, số tiền 2,5 tỷ đồng, trong đó có xây mới 6 phòng học cho trường tiểu học 2...

ha long ha trung thanh hoa doi song nhan dan duoc doi moi tu xa nong thon moi

Lãnh đạo xã Hà Long thăm cánh đồng mẫu lớn vào vụ thu hoạch


Năm 2011-2015 ngoài nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện thì xã Hà Long đã huy động các nguồn lực đóng góp khác nhằm thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 69.836 triệu đồng (chiếm 31,5%); nguồn vốn của tỉnh 15.506 triệu (chiếm 7,0%); nguồn vốn huyện 16.935 triệu đồng (chiếm 7,6%); nguồn vốn xã 11.116 triệu đồng (chiếm 5,0%); nhân dân đóng góp và xây dựng nhà ở 102.592 triệu đồng (chiếm 46,2%); nguồn vốn doanh nghiệp 5.596 triệu đồng (chiếm 2,6%). Tổng huy động được 221.571 triệu đồng. Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Hà Long mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại mới đạt 40%. Sau 6 năm thực hiện XDNTM, ngày 24/11/2015, Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Hà Long đã Vinh Dự được UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 4880/QĐ-UBND về việc công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Ông Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: “Để đạt được những kết quả khá quan trọng như trên phải kể đến công tác dân vận mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt việc vận động nhân dân trong dồn đổi ruộng đất, phục vụ cho xây dựng nông thôn mới... Nhất là vận động nhân dân chủ động nhượng đất, hiến đất, tự nguyện đóng góp để xây dựng hệ thống giao thông và các công trình văn hóa”.

“Hiện nay chúng tôi đã ký kết với Công ty Sao Khuê bao tiêu sản phẩm lúa nếp cái hoa vàng và lúa nếp Qúy Hương, đây là mặt hàng chủ đạo của người dân xã Hà Long. Tuy nhiên trên địa bàn còn cây dứa cũng là loại cây trồng chủ đạo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nhưng có nhiều năm giá cả rất bấp bênh. Vì vậy chúng tôi mong muốn và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dứa về xã để bao tiêu sản phẩm, đưa cây dứa thành cây trồng chủ đạo”. Ông Thành cho biết thêm.

Với những giải pháp đồng bộ đã thực sự làm thay đổi toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tình hình kinh tế xã hội, thu nhập người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm suống còn 4,9%; Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt trên 90%; đường giao thông nội đồng được cứng hóa đạt 89,8%.

Kiều Vượng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm