Giao dịch theo tín hiệu kỹ thuật Phá nền (Breakout), hiệu quả ra sao?

Cập nhật: 09:59 | 27/12/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo lý thuyết, tín hiệu này có thể là điểm khởi đầu cho một xu hướng tăng hoặc giảm giá mới. Vậy tín hiệu Phá nền Mua/Bán này thực sự hiệu quả ra sao và nhà đầu tư có thể sử dụng công cụ này trong tình huống nào?

1. Tổng quan

Tín hiệu Phá nền (Breakout) là một trong những tín hiệu mạnh trong Phân tích kỹ thuật, đặc biệt nếu cổ phiếu phá vỡ một nền giá tích lũy trong khung thời gian đủ lớn, kèm theo thanh khoản hỗ trợ. Theo lý thuyết, tín hiệu này có thể là điểm khởi đầu cho một xu hướng tăng hoặc giảm giá mới. Để hình dung rõ hơn về tín hiệu Phá nền, nhà đầu tư có thể quan sát một vài ví dụ bên dưới.

Ví dụ về tín hiệu Phá nền Mua

5019-tin-hieu-pha-nen-1

Ví dụ về tín hiệu Phá nền Bán

5029-tin-hieu-pha-nen-2

Vậy tín hiệu Phá nền Mua/Bán này thực sự hiệu quả ra sao và nhà đầu tư có thể sử dụng công cụ này trong tình huống nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tiến hành phân tích dữ liệu lịch sử của các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 trong giai đoạn từ khi sàn chứng khoán mới thành lập năm 2000 cho tới nay. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã nhận diện được gần 500 điểm Phá nền đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nền giá tích lũy, tín hiệu phá vỡ nền giá và thanh khoản hỗ trợ. Biến động giá của các vị thế này được quan sát trong các khung thời gian 3 phiên, 5 phiên, 10 phiên, 20 phiên, 40 phiên và 60 phiên để có thể thống kê tính hiệu quả trong cả ngắn và trung hạn.

2. Tín hiệu Phá nền Mua

Hiệu quả trung bình của tín hiệu Phá nền Mua đối với các cổ phiếu trong VN30 (theo cổ phiếu)

5100-tin-hieu-pha-nen-3

(*) +/- 3d biểu thị bình quân % tăng/giảm giá cổ phiếu sau 3 phiên (cho từng cổ phiếu riêng lẻ) kể từ khi xuất hiện tín hiệu Phá nền, tương tự với các khung thời gian khác.

Hiệu quả trung bình trong các khung thời gian

5123-tin-hieu-pha-nen-4

(*) +/- 3d biểu thị bình quân % tăng/giảm giá cổ phiếu sau 3 phiên (cho tất cả 30 cổ phiếu) kể từ khi xuất hiện tín hiệu Phá nền, tương tự với các khung thời gian khác

Chúng ta có thể thấy, mặc dù hiệu quả của tín hiệu Phá nền Mua không quá rõ rệt ở các khung thời gian ngắn từ 3 tới 10 phiên (2 tuần), ở các khung thời gian dài hơn, tín hiệu này đã cho thấy nhiều giá trị hơn. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do thị trường bao gồm nhiều thành phần khác nhau, tín hiệu Phá nền có thể bị làm giả để thu hút những nhà đầu tư ít kinh nghiệm hơn. Vì vậy, sau khi cổ phiếu về tài khoản vào ngày T+3, nhiều mã khó giữ được lực cầu và quay đầu sụt giảm. Tuy vậy, ở các khung thời gian từ 20 tới 60 phiên, ngoại trừ một số trường hợp như HDB hay NVL, hầu hết các cổ phiếu còn lại đều cho thấy tỷ suất lợi nhuận khá tốt và tăng dần theo thời gian. Bảng tổng hợp hiệu quả trung bình cũng thể hiện điều này.

Hiệu quả trung bình của tín hiệu Phá nền Mua đối với các cổ phiếu trong VN30 (theo năm)

5422-tin-hieu-pha-nen-5

(*) +/- 3d biểu thị bình quân % tăng/giảm giá cổ phiếu sau 3 phiên (cho từng năm) kể từ khi xuất hiện tín hiệu Phá nền, tương tự với các khung thời gian khác.

Dữ liệu trung bình hàng năm cho thấy góc nhìn mới về hiệu quả của chiến lược này. Vào giai đoạn 2011-2013, năm 2017 và năm 2020, chúng tôi quan sát được tỷ suất lợi nhuận tốt nhất khi giao dịch theo tín hiệu Phá nền Mua. Ngược lại, hiệu của chiến lược giảm sút vào năm 2018. Lý giải cho hiện tượng này, chúng tôi cho rằng có thể có một số nguyên do như sau:

• Vào những năm 2011-2013, nhà đầu tư tham gia thị trường chưa có nhiều công cụ hỗ trợ, vì vậy các tín hiệu kỹ thuật chưa bị khai thác / “thao túng” nhiều như hiện nay và mang tính chính xác cao hơn.

• Năm 2017 và 2020 chứng kiến những xu hướng tăng giá mạnh trong khoảng thời gian dài, do đó hỗ trợ rất tốt cho sự tăng giá của cổ phiếu sau khi đã thoát nền tích lũy.

• Riêng năm 2018, thị trường tạo đỉnh lịch sử, trước khi bắt đầu điều chỉnh với những nhịp rung lắc trong biên độ lớn. Vì vậy, sự tăng giá chủ yếu là những nhịp phục hồi, do đó không thể duy trì trong thời gian dài; cổ phiếu sau khi thoát nền chịu nhiều rủi ro điều chỉnh quay lại nền tích lũy.

3. Tín hiệu Phá nền Bán

Hiệu quả trung bình của tín hiệu Phá nền Bán đối với các cổ phiếu trong VN30 (theo cổ phiếu)

5537-tin-hieu-pha-nen-6

(*) +/- 3d biểu thị bình quân % tăng/giảm giá cổ phiếu sau 3 phiên (cho từng cổ phiếu riêng lẻ) kể từ khi xuất hiện tín hiệu Phá nền, tương tự với các khung thời gian khác

Hiệu quả trung bình trong các khung thời gian

5608-unnamed

(*) +/- 3d biểu thị bình quân % tăng/giảm giá cổ phiếu sau 3 phiên (cho tất cả 30 cổ phiếu) kể từ khi xuất hiện tín hiệu Phá nền, tương tự với các khung thời gian khác

Về phần tín hiệu Phá nền Bán, chúng ta có thể thấy được một bức tranh hoàn toàn khác biệt. Nếu tín hiệu Mua cho thấy hiệu quả cao hơn ở các khung thời gian dài, thì tín hiệu Bán lại giá trị hơn ở các khung thời gian ngắn. Đặc biệt, theo bảng tổng hợp hiệu quả trung bình, trong vòng từ 40 tới 60 phiên (khoảng 2 tới 3 tháng) chiến lược gần như cho hiệu quả âm, tức là nếu nhà đầu tư bán cổ phiếu theo tín hiệu và không mua lại, thì 2 tới 3 tháng sau cổ phiếu sẽ quay đầu tăng giá. Ngoài ra, đa phần cổ phiếu trong VN30 có nền tảng cơ bản tốt, do đó sự điều chỉnh thường chỉ mang tính chất nhất thời. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể quan sát thấy chiến lược này được áp dụng thành công trong các khung thời gian trên ở một nhóm nhỏ cổ phiếu như GAS, POW, TCB...

Hiệu quả trung bình của tín hiệu Phá nền Bán đối với các cổ phiếu trong VN30 (theo năm)

5637-tin-hieu-pha-nen-7

(*) +/- 3d biểu thị bình quân % tăng/giảm giá cổ phiếu sau 3 phiên (cho từng năm) kể từ khi xuất hiện tín hiệu Phá nền, tương tự với các khung thời gian khác

Dữ liệu hiệu quả trung bình theo năm đối với tín hiệu Phá nền Bán tiếp tục củng cố các lập luận ở phía trên của chúng tôi:

• Trong giai đoạn 2011-2013, tín hiệu cho thấy giá trị vượt trội, với lý do chúng tôi đã đề cập ở phần tín hiệu Phá nền Mua. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chỉ đa phần thể hiện trong các khung thời gian ngắn từ 3 tới 20 phiên.

• Vào năm 2017, trong một xu hướng tăng mạnh mẽ và xuyên suốt, chiến lược nhìn chung cho hiệu quả âm, khi giá cố phiếu tiếp tục gia tăng bất chấp những tín hiệu Phá nền Bán.

• Năm 2018, thị trường không đi ngang (sideways) như giai đoạn 2011-2013 mà có nhịp điều chỉnh lớn sau sóng tăng lịch sử năm 2017. Vì vậy, tín hiệu lại cho thấy hiệu quả ở các khung thời gian dài hơn, bao gồm cả những giai đoạn dài 3 tháng.

4. Lời kết

Sau khi thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi có một số kết luận như sau:

• Giá trị của tín hiệu Phá nền Mua gia tăng theo khung thời gian (hiệu quả hơn ở những khung thời gian dài), trong khi tín hiệu Phá nền Bán thường hiệu quả trong khung thời gian ngắn hơn (khoảng từ 3 đến 20 phiên).

• Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư trên thị trường có nhiều thông tin và công cụ hơn đáng kể so với 10 năm về trước, dẫn đến việc các tín hiệu kỹ thuật bị khai thác/“thao túng” nhiều hơn và đòi hỏi sự thận trọng nhất định khi ứng dụng.

• Tùy theo điều kiện thị trường chung mà hiệu quả của tín hiệu có thể thay đổi, vì vậy không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào tín hiệu Phá nền Mua trong thị trường giá giảm (vd năm 2018) và tín hiệu Phá nền Bán trong thị trường giá tăng (vd năm 2017).

• Việc áp dụng một nhóm các tín hiệu kỹ thuật và tìm kiếm sự đồng thuận giữa chúng để xác định điểm mua/bán sẽ cho hiệu quả cao hơn việc áp dụng các tín hiệu đơn lẻ.

Biến động ngắn tạo cơ hội trong dài hạn

Những phiên giao dịch “bão tố” mùa Giáng sinh đã khép lại với sắc xanh phủ rộng và điểm số khá đẹp của VN-Index 1.477,03 ...

Những lưu ý về sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố thông tin liên quan đến việc thực hiện các quy định về sở ...

Sự thật về quy tắc "Không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ"

"Không bỏ trứng vào một giỏ thực chất là phân tán đầu tư. Nếu việc phân tán đầu tư vào những tài sản mà không ...

Tuệ An (t/h)

TCBS