Giám đốc nhân sự VIB gặp khó khi mua cổ phiếu

Cập nhật: 09:19 | 25/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Do biến động giá cổ phiếu không thuận lợi, ông Trần Tuấn Minh cho biết chỉ mua được 63.000 cp VIB trên tổng số 500.000 cp đã đăng ký, nâng tỷ lệ sở hữu lên xấp xỉ 0,05%.

1429-vib2524
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Ban Nhân sự Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), vừa thông báo đã mua xong 63.000 cổ phiếu VIB. Giao dịch được thực hiện từ ngày 22/1 đến 2/2, theo phương thức khớp lệnh.

Ông Minh cho biết do giá cổ phiếu biến động không thuận lợi, nên đã không thể thực hiện giao dịch hết 500.000 cổ phiếu như đã đăng ký.

Như vậy, cho đến hiện tại, Giám đốc nhân sự của VIB đang nắm giữ 550.336 cổ phần tại ngân hàng, tương đương 0,05% vốn điều lệ.

Trên thị trường chứng khoán, trong khoảng một tuần ông Minh thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu VIB biến động mạnh, có phiên ghi nhận giảm sàn.

Dù vậy, ngay sau khi thời gian đăng ký giao dịch của ông Minh kết thúc, giá cổ phiếu đã tăng mạnh trở lại. Kết phiên 24/2, thị giá cổ phiếu VIB đạt 37.400 đồng/cp, tăng 13,3% kể từ hồi đầu năm.

1228-vib2523
Diễn biến giá cổ phiếu VIB thời gian gần đây (Ảnh: TradingView)

Cũng liên quan tới giao dịch cổ phiếu này, mới đây, ông Nguyễn Quốc Nghị, em rể ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết đã bán xong 250.000 cổ phiếu VIB. Qua đó, số lượng cổ phiếu VIB ông Nghị sở hữu đã giảm xuống gần 767.000 đơn vị, tương đương với 0,069% vốn điều lệ ngân hàng.

Vào đầu tháng 2, bà Ngô Minh Hiền, vợ ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc ngân hàng bán lẻ VIB cũng đã đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu từ ngày 8/2 đến 5/3 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.

Hiện tại, bà Hiền đang nắm giữ hơn 3,5 triệu cổ phần VIB, tương đương với 0,32% vốn điều lệ ngân hàng. Nếu giao dịch diễn ra thành công, bà Hiền sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên 0,45%.

Về kết quả kinh doanh. trong năm 2020, hầu hết mảng hoạt động của VIB đều ghi nhận sự tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng, tăng 36,7% đạt 8.496 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác lần lượt tăng 32,9% và 26%, đem về cho ngân hàng 2.389 tỷ và 283 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối trong năm qua đã tạo ra gần 21 tỷ đồng lãi thuần, trái ngược với con số lỗ 122 tỷ đồng của năm 2019.

Trong khi đó, mảng chứng khoán đầu tư lại không gặp thuận lợi vào quý IV khi lỗ hơn 47 tỷ đồng. Qua đó, khiến lãi thuần cả năm 2020 giảm hơn 32% xuống mức 25,2 tỷ đồng.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của VIB đạt hơn 11.215 tỷ đồng, tăng 37,6% so với 2019. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 29,9%, giúp lợi nhuận thuần của ngân hàng tăng 43,2% lên mức kỷ lục 6.750 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản VIB đạt mức 244.710 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cuối năm 2019. Tiền gửi khách hàng tăng 22,9% lên 150.360 tỷ đồng.

Kết thúc tháng 12, số dư nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 2.957 tỷ đồng, tăng 16,6%, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 31,2% với 169.520 tỷ đồng. Nhờ đó, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,96% xuống 1,74%.

Kinh doanh kém hiệu quả, PG Bank đang trở thành điểm "trung chuyển tiền"?

Kết thúc năm 2020, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) báo lãi trước thuế 212 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 11,5%. Tuy ...

Lợi nhuận các ngân hàng đang bị “thổi phồng”?

Với việc lãi, phí phải thu của nhiều ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong năm qua thì chất lượng lợi nhuận đến đâu ...

HSBC lên kế hoạch cắt giảm diện tích văn phòng trong dài hạn

Ngân hàng HSBC ngày 23/2 cho biết có kế hoạch giảm gần một nửa diện tích văn phòng trên toàn cầu trong dài hạn nhằm ...

Linh Đan (TH)