Giải pháp nào để đưa ngành gỗ Việt Nam vươn xa hơn?

Cập nhật: 11:00 | 21/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Dịch Covid-19 lan rộng gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất khẩu (XK). Vì vậy, việc kết hợp giữa bán hàng truyền thống và trực tuyến được cho là "cánh cửa mới" cho ngành gỗ Việt Nam tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng.

Thị trường đường tháng 8/2021: Giá đường thô đạt đỉnh trong 4 năm qua

Thị trường hồ tiêu Việt Nam có thể bị lỡ nhịp tăng giá?

Xuất siêu hàng hóa sang thị trường CPTPP lao dốc

Theo báo cáo hoạt động xuất khẩu 8 tháng năm 2021 của Bộ Công Thương cho thấy, trong khi hàng loạt sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam giảm sút thì kim ngạch XK gỗ và lâm sản đạt 11,217 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường XK gỗ và lâm sản chính gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc hiện nay chiếm trên 90% tổng giá trị XK gỗ và lâm sản. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực tháng 8/2020, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường tiêu thụ tại thị trường châu Âu.

Từ đầu năm đến nay kim ngạch XK đồ gỗ Việt Nam sang thị trường Đức tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 20,2% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tới EU, thị trường Pháp tăng 29,5%; Hà Lan tăng 50%; Bỉ tăng 55,7%...

0455-thitruonggo
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù từ đầu năm đến nay kim ngạch XK mặt hàng này không sụt giảm, nhưng dự báo trong 3 tháng cuối năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ đồ gỗ tại một số thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Tô Xuân Phúc - Đại diện tổ chức Forest Trends cho biết đã phối hợp với các hiệp hội gỗ đưa ra 2 kịch bản XK gỗ những tháng cuối năm 2021. Cụ thể, ở kịch bản 1, kim ngạch XK quý IV sẽ bắt đầu hồi phục nhưng chỉ đạt khoảng 70% so với kim ngạch XK trung bình của quý I và II/2021. Nếu giả định này là đúng, tổng kim ngạch XK đồ gỗ năm 2021 sẽ đạt khoảng 13,55 tỷ USD.

Kịch bản 2 khi kim ngạch XK trong các tháng cuối năm 2021 không tăng trưởng do dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hiệu quả, và kim ngạch XK quý IV/2021 chỉ tương đương 70% kim ngạch XK của quý III. Nếu giả định này xảy ra, kim ngạch XK đồ gỗ năm 2021 sẽ đạt khoảng 12,69 tỷ USD, tương đương năm 2020. "Kịch bản tốt là kịch bản 1 và xấu là kịch bản 2 nhưng sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp chống dịch Covid-19", ông Tô Xuân Phúc nêu rõ.

Mặc dù kim ngạch XK đồ gỗ và sản phẩm gỗ đã bắt đầu giảm sút, nhưng thực tế cho thấy dịch Covid-19 cũng tạo ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam tăng kim ngạch XK khi nguồn cung từ Trung Quốc đang gián đoạn. Điều này khiến các khách hàng lớn từ Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản… tìm kiếm những thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc.

Ngoài ra khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ nội thất sẽ hồi phục. Đây là cơ hội cho các DN đồ gỗ nội thất Việt Nam tiêu thụ sản phầm. Thêm vào đó Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA sẽ tạo động lực để ngành gỗ tăng kim ngạch XK.

Mặc dù Covid-19 sẽ điều kiện cho DN Việt Nam XK, song đây vẫn chỉ là cơ hội nếu DN Việt không thể kết nối được với khách hàng trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Để làm được điều này đòi hỏi DN đồ gỗ Việt Nam đẩy mạnh bán hàng online trên các trang thương mại điện tử (TMĐT).

Nói về việc DN gỗ Việt Nam cần đẩy mạnh đưa sản phẩm lên sàn TMĐT quảng bá, tiêu thụ, tìm kiếm bạn hàng mới, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nêu rõ, chỉ với một kênh TMĐT sản phẩm của Việt Nam có thể giới thiệu tới các đối tác, khách hàng trên toàn cầu, thay vì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức đi tiếp cận từng khách hàng, từng thị trường. "Thông qua TMĐT, đối tác nắm được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của DN đồ gỗ Việt Nam, đây là hướng đi tất yếu, dài hạn đối với không chỉ ngành gỗ mà còn nhiều ngành hàng khác", ông Đỗ Xuân Lập nói.

Trên các sàn TMĐT đều có sẵn ứng dụng B2C (từ DN tới khách hàng) lẫn B2B (DN tới DN), DN tham gia kinh doanh online trên các sàn TMĐT đều có cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến nhiều khách hàng trên thế giới một cách nhanh chóng, tiện lợi. Quan trọng hơn cả là DN có thể cắt được khâu trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị thặng dư.

"DN ngoài việc bán hàng theo hình thức truyền thống với những khách hàng lâu năm mà phải kết hợp giữa trực tiếp (offline) và qua công nghệ (online) để tiếp cận nhiều khách hàng mới hơn", ông Nguyễn Ngọc Dũng khuyến cáo.

Ý kiến chuyên gia cho thấy trong bối cảnh Covid-19 đang "cản đường" tiêu thụ sản phẩm gỗ, TMĐT là giải pháp tốt nhất cho ngành chế biến gỗ tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh hiện nay, vì vậy các DN cần mau chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng online.

Thu Uyên (Tổng hợp)