Giá thép hôm nay 23/3/2023: Điều chỉnh tăng mạnh trên sàn giao dịch

Cập nhật: 11:27 | 23/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Ghi nhận vào lúc 11h10 ngày 23/3 (theo giờ Việt Nam), giá thép giao kỳ hạn tháng 12/2023 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên mức 4.150 Nhân dân tệ/tấn. Một loạt thương hiệu lớn điều chỉnh tăng 150.000 đồng, nâng giá thép cao nhất lên 17,6 triệu đồng/tấn, trong khi tiêu thụ giảm mạnh.

Giá thép hôm nay 20/3/2023: Thị trường trong nước lặng sóng

Giá thép hôm nay 21/3/2023: Biến động trái chiều

Giá thép hôm nay 22/3/2023: Nhu cầu giảm nhưng giá vẫn tăng mạnh

Giá thép giao kỳ hạn giao tháng 1/2024 tăng 20 Nhân dân tệ, lên mức 4.020 Nhân dân tệ/tấn. Kể từ giữa tháng 2, lượng tiêu thụ thép xây dựng tại Trung Quốc đã dần phục hồi, không khí thị trường và việc khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng dần trở lại bình thường.

Giá thép hôm nay 23/3/2023: Điều chỉnh tăng mạnh trên sàn giao dịch

Do đó, cả cung và cầu dự kiến sẽ tăng trong tháng 4, cộng với chi phí sản xuất của các nhà máy thép cao hơn, những yếu tố này có thể hỗ trợ giá hiện tại. Từ góc độ cung ứng, sản lượng thép cây của Trung Quốc tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và 39% so với tháng trước, sản lượng thép xây dựng tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và 36% so với tháng trước.

Năm 2022, các hạn chế về chính sách đối với sản lượng và việc các nhà máy chủ động giảm sản xuất đã khiến tổng công suất giảm xuống.

Tại thị trường trong nước, từ ngày 21/3, Hòa Phát nâng giá thép thanh vằn D10 CB300 thêm 150.000 đồng, lên 15,99 triệu đồng/tấn. Mức tăng tương tự cũng được các hãng thép Việt Ý, Việt Đức, Kyoei, Việt Mỹ áp dụng trong đợt này.

Riêng Thép Thái Nguyên tăng giá cả loại cuộn CB240 thêm 100.000 đồng lên 15,86 triệu đồng/tấn. Thậm chí, Pomina có giá cao hơn hẳn khi bán ra với giá 17,57 triệu đồng/tấn cho CB240 và 17,6 triệu đồng/tấn cho D10 CB300.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng,... vẫn đang tăng. Cụ thể, giá than cốc đang có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 11/2022 đến nay. Thép phế liệu vào đầu tháng 3 tăng 13 USD/tấn so với tháng trước. Thép cán nóng HRC cũng tăng 24 USD.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nói giá tăng do nguyên liệu đầu vào khan hiếm khi nhiều nhà máy đã dừng sản xuất phôi ở một số lò từ năm trước; Các nhà máy phải trả đơn hàng đã ký từ trong năm, làm giá thép tăng cục bộ do nguồn cung ít. Giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép xây dựng vẫn thấp.

Dự báo, giá sắt thép sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi nguồn cung quặng sắt eo hẹp, trong khi nhu cầu vẫn có xu hướng tăng. Như vậy, sau 6 đợt điều chỉnh liên tiếp từ đầu năm, mặt bằng giá thép hiện được đưa về giai đoạn tháng 7 - 8 năm ngoái. Mức này cao hơn rất nhiều so với trung bình 12,5 triệu đồng/tấn trước đợt tăng nóng kéo dài từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2022.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA cho biết, trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thay đổi, triển vọng ngành thép trong năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm. Bên cạnh đó, triển vọng trong năm này của các doanh nghiệp thép cũng bị đè nặng bởi sự ảm đạm của thị trường xây dựng, bất động sản.

Tuy vậy, ngành thép vẫn có thể kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản. Ngân sách dành cho đầu tư công năm nay tăng cao nhất trong lịch sử, ước chi 704.000 tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân mục tiêu từ Chính phủ là 95%.

Cũng theo Chủ tịch VSA nhận định, để giúp ngành thép vượt qua khó khăn, thách thức trong năm 2023, kỳ vọng sẽ có các giải pháp, chính sách thiết thực thúc đẩy đầu tư các dự án công, đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo tốc độ giải ngân nhanh, khôi phục, tháo gỡ những điểm nghẽn trong lĩnh vực bất động sản.

Ngoài ra, để giảm chi phí cho doanh nghiệp, cần có chính sách ổn định tỷ giá, giảm lãi suất, tăng lượng tín dụng cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thép nói riêng để lấy lại đà phục hồi, phát triển sau dịch bệnh.

Linh Linh