Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm vì nhu cầu giảm

Cập nhật: 10:16 | 07/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm còn 485 - 490 USD/tấn sau khi không thay đổi ở mức 490 - 495 USD/tấn trong 4 tuần. Giá gạo tại Việt Nam giảm vì người mua tìm tới nguồn cung giá rẻ hơn từ những trung tâm xuất khẩu gạo khác. Nhiều khu vực trồng lúa lớn nhất của Việt Nam đang phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19.

Giá gas hôm nay 7/6/2021: Giá khí đốt tự nhiên tăng trong phiên giao dịch đầu tuần

Giá lăn bánh xe Audi A8 ngày 7/6/2021 trên toàn quốc

Giá cà phê liên tục tăng và chạm đỉnh 5 năm

Giá gạo Việt Nam biến động sau 4 tuần lặng sóng

Một thương nhân có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cho biết người mua đã chuyển sang những nhà cung cấp khác tại Thái Lan và Ấn Độ, nơi giá gạo rẻ hơn so với Việt Nam. Các nhà xuất khẩu cũng trì hoãn các đơn đặt hàng ký trước đó vì chi phí vận chuyển cao.

Sau khi thành công kiểm soát đại dịch COVID-19 trong gần một năm, số ca lây nhiễm đã tăng trở lại ở Việt Nam vào cuối tháng 4.

"Doanh số bán gạo trong nước cũng chậm lại bởi sự bùng phát của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 vì nó đã lây lan tại một số tỉnh trồng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long", thương nhân này cho biết thêm.

Về tình hình xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm, hoạt động bán gạo Việt Nam cho thị trường quốc tế có thể giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

1505-xuatkhaugao76
Ảnh minh họa

Giá gạo xuất khẩu Thái Lan giảm trở lại

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống còn 457 - 468 USD/tấn trong tuần này từ 457 - 485 USD vào tuần trước.

Các thương nhân cho biết giá nhiên liệu tăng cao khiến giá cước vận chuyển đắt hơn, đồng thời gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu trong việc đảm bảo các tàu container vận chuyển hàng hóa của họ.

Nhu cầu ở nước ngoài vẫn ở mức thấp do giá cao, trong khi nguồn cung dự kiến tăng trong nửa cuối năm 2021 có thể giúp giá gạo Thái hạ nhiệt so với mức hiện tại, theo các thương nhân.

Giá gạo Ấn Độ không đổi tuần thứ hai liên tiếp

Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tiếp tục không đổi ở mức 382 - 388 USD/tấn trong tuần này.

Nông dân đang chuẩn bị lúa giống khi gió mùa tràn qua Kerala, đánh dấu sự khởi đầu của mùa mưa kéo dài 4 tháng rất quan trọng đối với nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, một nhà xuất khẩu cho hay.

Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD, tăng đột biến 324.788% về lượng và 55.461% về trị giá so với 76 tấn, trị giá 134,6 triệu USD của cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng Bangladesh đã nhập khẩu khoảng 700.000 tấn gạo từ Ấn Độ trong 6 tháng qua so với dự kiến 1,5 triệu tấn, theo các quan chức nước này.

Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Bangladesh nhận định nếu một khối lượng lớn gạo được nhập khẩu, nó có thể tràn ngập thị trường địa phương và làm ảnh hưởng tiêu cực tới người nông dân.

Giá lúa gạo có thể thiết lập mặt bằng mới?

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổng diện tích gieo cấy ước đạt 1.086 nghìn ha, giảm 12 nghìn ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020 do là chuyển đổi sang các loại cây rau màu và mục đích phi nông nghiệp.

Tuy giảm diện tích gieo cấy, sản lượng lúa toàn miền Bắc vụ Đông Xuân 2020-2021 ước đạt gần 7 triệu tấn, tăng khoảng 34 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Năng suất vụ Đông Xuân 2020-2021 ước đạt 63,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020. Trong đó, năng suất cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng ước đạt gần 66 tạ/ha, tăng 0,4% so với vụ Đông Xuân 2020-2021.

Số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) giá lúa tháng 4 có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, tại Kiên Giang giá lúa IR50404 ở mức 6.700 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với tháng 3, tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá lúa OM 6976 ổn định ở mức 6.800 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với tháng 3, tăng 200 đồng/kg so với tháng 4/2020. Tại Bạc Liêu, giá lúa Đài Thơm 8 ở mức 6.600 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo ước đạt gần 2 triệu tấn, kim ngạch hơn 1 tỷ USD, giảm gần 11% khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị nhờ giá xuất khẩu bình quân 534 USD/tấn, tăng 13,4% so cùng kỳ 2020.

Trao đổi với người viết, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) dự báo: "Hiện nay, giá lúa gạo đang có xu hướng ổn định và dự báo giá lúa sẽ thiết lập mặt bằng mới, tăng nhẹ trong thời gian tới".

Lý giải về dự báo giá lúa tăng, chuyên gia của VSTA cho biết dịch bệnh COVID-19 làm đứt chuỗi cung ứng và một số quốc gia lo ngại việc thiếu lương thực nên dừng xuất khẩu, tạo ra một số xáo trộn trên thị trường. Trong khi đó, một số quốc gia cũng lo ngại khả năng xuất nhập khó khăn nên tranh thủ cơ hội tăng cường mua tích trữ.

Trong 3 thị trường xuất khẩu lúa gạo lớn là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam thì có 2 quốc gia bị tác động rất lớn bởi dịch COVID-19 là Ấn Độ và Thái Lan. Vì vậy, sản lượng lúa gạo của các quốc gia chủ lực trong chuỗi cung ứng cũng giảm, giá lúa tăng nhẹ.

Theo báo cáo của VNdirect, tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 2,1% trong tháng 3/2021 và ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014.

Đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Do vậy, nguồn cung đang có dấu hiệu thắt chặt ở các nước xuất khẩu gạo và các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, từ đó đẩy giá gạo lên cao.

Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 của nhiều nước bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.

Thu Uyên

Tin cũ hơn
Xem thêm