Gạo Việt ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế

Cập nhật: 16:23 | 07/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Sự bứt phá trong xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay cùng với việc tận dụng nhanh các ưu đãi mà EVFTA mang lại. Thị trường gạo Việt Nam đang tạo ra thời cơ mới cho cả nền sản xuất và xuất khẩu, đưa gạo Việt lên cao, tạo ra thương hiệu rõ nét trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu cà phê tháng 11/2020 lao dốc so với cùng kì

Giá gạo hôm nay 7/12: Thị trường giao dịch trầm lắng tại phiên sáng

Ngành dệt may có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP?

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Hiện, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được xuất bán ở mức 493 - 497 USD/tấn, cao nhất trong vòng 9 năm qua. Hơn nữa, giá gạo xuất khẩu có thời điểm lên đến ngưỡng 495 -500 USD/tấn và đây là mức giá khá tốt tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Với giá xuất khẩu bình quân đạt 490,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng mạnh dù sản lượng xuất khẩu giảm.

2157-gaoviet
Gạo Việt Nam được khẳng định trên thị trường quốc tế

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo japonica, gạo nếp.

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện. Hơn nữa, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm chiếm 27,15% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo japonica chiếm 3,39%, gạo nếp chiếm 9,26%… Điều này góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 với giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo các chuyên gia, bên cạnh nhu cầu trữ lương thực của các nước trước dịch bệnh COVID-19, giá gạo Việt Nam xuất khẩu ở mức cao do chiếm phần lớn trong sản lượng gạo xuất khẩu là các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm ngon hơn trước. Đặc biệt, việc gạo thơm ST25 là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới cũng góp phần tăng giá trị cho hạt gạo Việt.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và gần đây Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định khắt khe của các thị trường khó tính. Đồng thời, góp phần tận dụng các ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu vào khu vực thị trường EU và RCEP.

Để tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.

Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất.

Đặc biệt, việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu sẽ là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay cùng với việc tận dụng nhanh ưu đãi mà EVFTA mang lại, đang tạo ra thời cơ mới cho cả nền sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, đưa giá gạo lên cao và tạo ra thương hiệu rõ nét trên thị trường thế giới.

Ðể nắm bắt thời cơ này, cần sự liên kết chặt chẽ và bền vững hơn nữa giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các vùng sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu với nhau. Ðồng thời, liên quan đến vấn đề xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt, rất cần các cơ chế, chính sách linh hoạt từ cơ quan chức năng để hoạt động này không bị gián đoạn, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo của cả năm 2020.

Thanh Hằng

Tin liên quan