Fecon (FCN): Lần đầu báo lỗ kể từ khi niêm yết

Cập nhật: 17:03 | 04/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, tại ĐHĐCĐ năm 2022, CTCP Fecon (HOSE - Mã: FCN) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng doanh thu thêm 44% lên mức 5000 tỷ, lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng.

5328-fcm-wmri
CTCP FECON (HOSE - Mã: FCN).

Báo lỗ quý I/2022

Fecon đã công bố báo cáo tài chính Quý 1/2022. Theo đó, FECON ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 14% về 502 tỷ đồng do triển khai một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Trong quý, giá vốn hàng bán chiếm tới 82% tổng doanh thu nên lãi gộp thu hẹp còn gần 88 tỷ đồng.

Nhờ bán khoản đầu tư thu về hơn 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận nên doanh thu từ hoạt động tài chính của Fecon đạt gấp đôi cùng kỳ, hơn 10,5 tỷ đồng.

Bù lại, chi phí lãi vay và thuê tài chính tăng trên 60% lên 46 tỷ đồng do phát sinh từ đơn vị thành viên là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng khi dự án cùng tên này đi vào vận hành tháng 10/2021.

5632-fcn3
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Fecon.

Cộng với các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã ngốn hết phần lãi của công ty. Kết quả, Fecon lỗ sau thuế hơn 6,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 17 tỷ - Đây là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết FCN báo lỗ.

Trước đó, hai ông lớn nhà thầu xây dựng là Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) và Coteccons (Mã: CTD) cũng đã báo có lãi mỏng trong quý I. Trong đó, HBC lãi gần 11 đồng còn Coteccons lãi sau thuế 29 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kỳ trước.

Tổng nợ đi vay gần 1.400 tỷ đồng

Mới đây, tại ĐHĐCĐ năm 2022, FCN đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng doanh thu thêm 44% lên mức 5000 tỷ, lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng. Như vậy sau một quý, Fecon đã thực hiện được 10% kế hoạch doanh thu.

Theo giải trình, nguồn doanh thu sẽ đến từ các dự án lớn của công ty như Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát - Dung Quất, Sân bay Long Thành, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Hầm chui Lê Văn Lương, Đường sắt trên cao, Điện gió Trà Vinh 1.1, Điện gió Duyên Hải, vv. Theo công ty, trong quý 1 FECON đã ký được lượng hợp đồng với tổng trị giá 1.800 tỷ đồng.

Công ty tiết lộ, Fecon cũng đã tham gia đấu giá, đầu thầu, đệ trình làm nhà đầu tư tại một số dự án bất động sản tại Hưng Yên (206ha), Thái Nguyên(gần 30ha), Bắc Giang(tổng quy mô 300ha), Đồng Tháp (4ha) và Bắc Ninh (6ha).

Trong năm tới, Fecon cũng mong đợi khoản doanh thu tài chính 109 tỷ từ việc thoái vốn một vài dự án năng lượng chưa hiệu quả.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Fecon tính đến cuối quý I/2022 giảm 300 tỷ về 7.135 tỷ đồng, chủ yếu giảm từ mục khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (2.433 tỷ đồng).

Tổng nợ đi vay của Fecon gần 1.400 tỷ đồng cả ngắn hạn và dài hạn, không thay đổi quá nhiều so với ngày đầu năm và chiếm khoảng 1/3 tổng nợ phải trả. Số nợ này khiến doanh nghiệp phải trả lãi vay hơn 46 tỷ đồng quý I đã đề cập ở trên.

Lợi nhuận 2021 giảm 38,4% sau kiểm toán

Sau kiểm toán năm 2021, FECON nhận lợi nhuận sau thuế giảm 38,4% so với trước kiểm toán, tương đương giảm 44 tỷ đồng về 70,78 tỷ đồng.

Công ty lý giải, lợi nhuận sau kiểm toán biến động do lợi nhuận gộp của công ty mẹ và hợp nhất sau kiểm toán giảm so với số liệu trước kiểm toán lần lượt là 37,1 tỷ đồng và 47,9 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm là 11,9% và 9,3%.

5734-fcn1
Lợi nhuận FCN giảm sau kiểm toán năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu do trong năm giá vốn một số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biến động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian thi công của một số công trình kéo dài hơn kế hoạch nên phát sinh thêm chi phí trong năm và ảnh hưởng tiến độ quyết toán giá trị công trình.

Fecon đã làm việc và có những trao đổi thống nhất với một số chủ đầu tư/thầu chính về việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng thi công do các yếu tố biến động nêu trên nên công ty đã thực hiện tính toán lãi gộp trên cơ sở giả định có nguồn bù giá này. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán với nguyên tắc thận trọng, thực hiện ghi nhận lãi gộp giảm đi trên quan điểm chưa có bằng chứng chắc chắn về việc bù giá từ chủ đầu tư/thầu chính do đó dẫn đến việc làm giảm lợi nhuận gộp của công ty.

Xét về hoạt động kinh doanh, sau kiểm toán năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.484,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 70,78 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,5% và giảm 47% so với thực hiện trong năm 2020. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận gộp giảm từ 15% về chỉ còn 13,5%.

Lãnh đạo cùng người nhà liên tục thoái vốn

Không đạt kỳ vọng giá ở lần đăng ký trước, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON (mã FCN - sàn HOSE) tiếp tục đăng ký bán ra cổ phiếu FCN.

Cụ thể, ông Trần Trọng Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty tiếp tục đăng ký bán 100.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 631.461 về 531.461 cổ phiếu, tương đương 0,34% vốn điều lệ, cũng với mục đích và phương thức giao dịch như trên.

Trước đó, ông Thắng từng đăng ký bán lượng cổ phiếu nói trên, thời gian giao dịch dự kiến từ 24/2 đến 25/3/2022 nhưng chưa thực hiện được do "giá thị trường không đạt kỳ vọng".

Trong khoảng thời gian từ 13/1 đến 11/2/2022, ông Thắng đã bán thành công 30.000 cổ phiếu FCN để giảm sở hữu từ 661.461 cổ phiếu về 631.461 cổ phiếu, tương ứng 0,4% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Phạm Hồng, bố đẻ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Phạm Việt Khoa, đăng ký bán 26.500 cổ phiếu FCN trên tổng số 26.525 cổ phiếu đang nắm giữ. Phương thức giao dịch là khớp lệnh. Thời gian dự kiến giao dịch từ 31/3 đến 29/4/2022. Mục đích bán cổ phiếu của ông Hồng là để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 4/5, cổ phiếu FCN tăng 5,67% lên mức 21.450 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 5,1 triệu đơn vị.

5515-fcn2
Diễn biến giá cổ phiếu FCN trong thời gian gần đây. (Nguồn: Tradingview).
Quý I/2022, Sanest Khánh Hòa (SKH) doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm

CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (SKH - UPCoM) dự kiến họp ĐHCĐ vào ngày 28/5 tới đây, đồng thời công bố báo cáo ...

Tâm lý nhà đầu tư chứng khoán đã ổn định

Cùng với thông điệp tăng cường minh bạch, tạo sự phát triển ổn định cho thị trường chứng khoán từ các cơ quan ...

"Mùa tranh giành quyền lực" thêm sôi động khi các Chủ tịch "nhúng tay"

Giai đoạn chuyển giao giữa tháng 4 và tháng 5, bên mua và bên bán đều đẩy mạnh các giao dịch, nhất là các giao ...

Quỳnh Nga

Tin cũ hơn
Xem thêm