Dư nợ margin tiếp tục giảm sâu, các công ty chứng khoán cũng "đói" tiền

Cập nhật: 16:34 | 14/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong quý đầu năm 2022, giá trị margin/thanh khoản thị trường là 5,8 phiên giao dịch, giảm so với mức 6,6 phiên giao dịch cuối năm 2021 và 11,2 phiên giao dịch cả năm 2021. Tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu các công ty chứng khoán giảm từ 113% cuối năm 2021 xuống 88,5% cuối quý I/2022.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh, phần lớn nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) đã chủ động giảm dư nợ song giá trị tuyệt đối vẫn lớn. Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, dư nợ margin tại Công ty tính đến cuối quý II/2022 vào khoảng 2.300 tỷ đồng, giảm 20% so với cuối quý I/2022.

Theo ông Hòa, VN-Index đã trải qua một đợt điều chỉnh trên 20% kể từ đầu tháng 4/2022, trong đó có một số phiên liên tiếp giảm sâu nên không tránh khỏi hiện tượng “lệnh gọi” (call margin - lệnh gọi bổ sung ký quỹ) và “bán giải chấp” (force sell, công ty chứng khoán bán chứng khoán trong tài khoản nhà đầu tư sử dụng margin nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định). Tại BVSC, tình trạng này xảy ra không nhiều, do phần lớn nhà đầu tư chủ động nộp tiền bổ sung tài sản ký quỹ khi giá cổ phiếu điều chỉnh.

Dư nợ margin tiếp tục giảm sâu, các công ty chứng khoán cũng
Dư nợ margin tiếp tục giảm sâu, các công ty chứng khoán cũng "đói" tiền

Tìm hiểu tại Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất thị trường như SSI, VNDIREC…cho thấy, dư nợ margin tính đến cuối quý II/2022 phổ biến giảm 20 - 25% so với cuối quý I/2022. Nguyên nhân chính là do giá cổ phiếu lao dốc, các công ty chứng khoán buộc phải bán giải chấp.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư không vay nợ hoặc vay nợ ít, họ chưa mặn mà sử dụng giao dịch ký quỹ, vì lo ngại rủi ro. Mặt khác, giá trị cổ phiếu trong danh mục suy giảm kéo theo sức mua margin giảm tương ứng.

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc VNDIRECT cho hay, so với mức dư nợ margin kỷ lục 17.123 tỷ đồng mà Công ty ghi nhận tại thời điểm cuối quý I/2022 thì con số hiện tại đã giảm khoảng 30%, dao động quanh ngưỡng 12.000 tỷ đồng.

Tại Công ty Chứng khoán TP.HCM, dư nợ margin cuối quý II/2022 giảm 30% so với cuối quý I/2022, từ 14.523 tỷ đồng xuống hơn 10.000 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, thanh khoản thị trường và margin có mối quan hệ khá tương đồng. Cụ thể, trong giai đoạn thị trường tăng điểm, thanh khoản và margin tăng, còn khi thị trường diễn biến xấu thì thanh khoản và margin giảm. Tính thanh khoản trong quý II/2022 giảm 34,67% so với quý I/2022. Dư nợ margin cuối quý II giảm khoảng 20% so với cuối quý I.

Trong quý đầu năm 2022, giá trị margin/thanh khoản thị trường là 5,8 phiên giao dịch, giảm so với mức 6,6 phiên giao dịch cuối năm 2021 và 11,2 phiên giao dịch cả năm 2021. Tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu các công ty chứng khoán giảm từ 113% cuối năm 2021 xuống 88,5% cuối quý I/2022.

Trong giai đoạn thị trường chứng khoán giao dịch sôi động và tăng điểm trước đó, kỷ lục dư nợ margin toàn thị trường liên tục được thiết lập, không ít nhà đầu tư luôn trong trạng thái vay nợ tối đa (full margin). Thêm vào đó, có những khách hàng cá nhân lớn và lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng margin để thực hiện các giao dịch thỏa thuận. Họ có nhu cầu vay vốn gấp mà không cần quá nhiều thủ tục, chỉ có tài sản thế chấp là cổ phiếu nên góp phần giúp dư nợ margin gia tăng.

Đợt điều chỉnh kéo dài 3 tháng qua của thị trường chứng khoán khiến dư nợ margin giảm, thanh khoản giảm, dòng tiền trên thị trường cũng giảm. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư thua lỗ, hoặc giảm dần mức lãi đạt được trong các đợt sóng tăng trước đó tỏ ra thận trọng với margin, chưa dám mạo hiểm đẩy margin lên, dù giá cổ phiếu được nhìn nhận là hấp dẫn.

Số lượng nhà đầu tư mới liên tục tăng, nhưng lực lượng này cùng với không ít nhà đầu tư cũ có tâm lý lưỡng lự, giải ngân thận trọng.

Thực tế, số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn liên tục tăng, nhưng lực lượng này cùng với không ít nhà đầu tư cũ có tâm lý lưỡng lự, giải ngân thận trọng.

Các công ty chứng khoán cũng "đói" tiền

Khi thị trường điều chỉnh, các nhà đầu tư được khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu để hạn chế rủi ro, đồng thời tăng tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản nhằm chờ đợi cơ hội giải ngân khi giá cổ phiếu giảm sâu. Nhưng khảo sát sơ bộ cho thấy, tổng số dư tiền trong tài khoản tại các công ty chứng khoán hiện ít hơn trước, vì một phần được nhà đầu tư rút ra, một phần vì giá trị sau khi bán chứng khoán sụt giảm theo mức giảm của thị giá cổ phiếu.

Tại nhiều công ty chứng khoán như BVSC, VPS, Mirae Asset,... số dư tiền tính đến cuối quý II/2022 đều giảm so với cuối quý I. Lãnh đạo BVSC chia sẻ, con số tuyệt đối phải chờ báo cáo tài chính quý II, nhưng số dư tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư tại Công ty ước tính giảm 10% so với 3 tháng trước.

Tại VNDIRECT, ông Long cho biết, số dư tiền mặt của khách hàng tại thời điểm cuối quý II/2022 ở mức tương đương cuối quý I/2011 (cuối quý I/2022 là gần 10.000 tỷ đồng, lớn thứ hai trên thị trường, sau VPS với 22.000 tỷ đồng).

Theo thống kê, kỷ lục số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán là hơn 100.000 tỷ đồng vào cuối quý I/2022, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

VCBS: VN-Index vẫn có khả năng vượt đỉnh với thanh khoản tỷ USD

Cùng sự lạc quan về mặt thanh khoản, VCBS cũng không thay đổi dự báo VN-Index đã đưa ra từ đầu năm, cụ thể là ...

Những nhóm ngành đáng chú ý trong nửa cuối năm: "Phòng thủ" tại cổ phiếu điện

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới dự báo còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định, một số cổ phiếu ...

Chứng khoán phiên chiều 14/7: Kịch bản không ngờ tới, VN-Index vượt mốc 1.180 điểm

Sau khi có phiên giao dịch tương đối giằng co trong ngày hôm qua, cộng thêm việc Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng ...

Anh Khôi