Dự báo nhu cầu cao su sẽ giảm do dịch COVID-19 bùng phát

Cập nhật: 11:07 | 07/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt trên thế giới biến động mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh tái bùng phát phức tạp ở cả ba thị trường này khiến cho nhu cầu không được khả quan.

Đề xuất tăng thu mua dự trữ, vụ lúa hè thu có tìm được đầu ra?

Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 36% trong nửa đầu năm 2021

Thị trường xuất khẩu thủy sản quý III/2021 sẽ thay đổi như thế nào?

Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su đạt đỉnh 6 tháng ở mức 282,8 Yên/kg vào ngày 25/2, sau đó giảm xuống mức 220,5 Yên/kg trong ngày 13/4, phục hồi lên mức 261 Yên/kg vào ngày 25/5 rồi giảm trở lại.

Ngày 28/7, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2021 giao dịch ở mức 210 Yên/kg (tương đương 1,91 USD/kg), giảm 9,2% so với cuối tháng 6/2021, nhưng tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su đạt đỉnh 6 tháng ở mức 17.020 NDT/tấn vào ngày 25/2, giảm xuống mức 12.275 NDT/tấn vào ngày 22/6 rồi phục hồi trở lại.

3031-thitruongcaosu
Dự báo nhu cầu cao su sẽ giảm do dịch COVID-19 bùng phát và nguồn cung tăng đáng kể (Ảnh minh họa)

Ngày 28/7, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2021 ở mức 13.090 NDT/tấn (tương đương 2,01 USD/kg), tăng 3,3% so với cuối tháng 6/2021 và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung găng tay cao su từ Malaysia bị gián đoạn và nhu cầu ở các cơ sở cung cấp tại Trung Quốc tăng đột biến đã đẩy giá cao su ở Thượng Hải liên tiếp tăng trong tháng này.

Tại Thái Lan, giá cao su đạt đỉnh 6 tháng ở mức 73,85 Baht/kg vào ngày 1/6, sau đó có xu hướng giảm cho đến cuối tháng 7/2021. Ngày 27/7, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 55,6 Baht/kg (tương đương 1,67 USD/ kg), giảm 7,8% so với cuối tháng 6/2021, nhưng tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo triển vọng thị trường cao su trong ngắn hạn không khả quan do sự gián đoạn về hậu cần, cước phí vận chuyển đường biển tăng, việc vận chuyển bị chậm trễ, thiếu chip ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô, tiêu thụ ô tô chậm lại, sự gia tăng nguồn cung cao su tự nhiên...

Nhu cầu cao su tự nhiên trên toàn cầu trong tháng 6/2021 ước tính không tăng so với tháng trước đó, chủ yếu do nhu cầu ở Trung Quốc yếu đi.

Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc - quốc gia chiếm hơn 40% tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu - trong tháng 6/2021 đã chậm lại do thiếu chíp và gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 bùng phát ở tỉnh Quảng Đông.

ANRPC đã từng kỳ vọng nhu cầu yếu ở Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới sẽ được bù lại một phần bởi nhu cầu mạnh lên ở Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Tuy nhiên, dịch bệnh tái bùng phát phức tạp ở cả ba thị trường này khiến cho nhu cầu không được khả quan.

Từ chỗ lạc quan về các thị trường Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ, ANRPC trong báo cáo mới nhất đã lo ngại về khả năng nhu cầu cao su ở Ấn Độ và khu vực ASEAN trong ngắn hạn sẽ giảm do tốc độ tiêm chủng COVID-19 chậm.

Trong khi đó, mặc dù thu hoạch bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 tại một số quốc gia có thể ảnh hưởng một phần đến nguồn cung cao su, nhưng nguồn cung cao su toàn cầu đã tăng đáng kể từ tháng 6/2021 khi mùa Đông ở một số nước sản xuất cao su lớn đã kết thúc.

Theo ANRPC, nguồn cung cao su của thế giới trong tháng 7/2021 dự kiến tăng 11,3% so với tháng 6/2021, lên 1,1 triệu tấn. Nguồn cung cao su tự nhiên tháng 7/2021 tăng cũng ảnh hưởng đến giá mặt hàng.

Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết 5 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu 759.160 tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 3,4% về lượng, nhưng tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Indonesia Thái Lan, Canada, Đức và Hàn Quốc là 5 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Mỹ.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Mỹ, đạt 19.580 tấn, trị giá 34,29 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 75,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ chiếm 2,6%, tăng so với mức 1,6% của 5 tháng đầu năm 2020.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu 373.700 tấn cao su tự nhiên (mã HS 4001), trị giá 656,13 tỷ USD, giảm hơn 10% về lượng, nhưng tăng 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Indonesia Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Việt Nam và Liberia là 5 thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn nhất cho Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2021.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Mỹ, đạt 19.530 tấn, trị giá 34 triệu USD, tăng 51,2% về lượng và tăng 76,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chiếm 5,2%, tăng so với mức 3,8% của 5 tháng đầu năm 2020.

Ngoài ra, Mỹ nhập khẩu 272.940 tấn cao su tổng hợp (mã HS 4002), trị giá 553,66 triệu USD, giảm 0,7% về lượng và giảm 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico và Pháp là 5 thị trường cung cấp cao su tổng hợp lớn nhất cho Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2021.

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Pháp và Nhật Bản trong tổng nhập khẩu của Mỹ tăng; trong khi thị phần của Đức, Hàn Quốc và Mexico giảm. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,02% trong tổng lượng cao nhập khẩu của Mỹ.

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm