Dự báo giá tiêu khó tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022

Cập nhật: 14:34 | 03/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukarine dẫn tới giá nhiên liệu leo thang làm cho giá cả nhiều mặt hàng hóa tăng mạnh, nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới tăng trưởng chậm nên nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu cũng giảm xuống.

Giá cà phê hôm nay 3/8/2022: Giảm trên cả hai sàn phái sinh

Xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 giảm mạnh

Giá tiêu hôm nay 3/8/2022: Thị trường khó nắm bắt, tiêu Việt "sáng cửa" vào EU nhờ EVFTA

Thị trường Trung Quốc tiếp tục chiến dịch zero Covid nên sức mua chậm càng làm cho giá tiêu thị trường nội địa giảm so với quý I/2022.

Trong nửa đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 123,64 nghìn tấn, trị giá 560,22 triệu USD, giảm 19,7% về lượng, nhưng tăng 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5.609 tấn.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Giá hồ tiêu từ mức trên dưới 80.000 đồng/kg vào thời điểm đầu năm và tăng lên 86.500 đồng/kg vào giữa tháng 3, tuy nhiên giá liên tục giảm ở các tháng tiếp theo và hiện tại giá chỉ còn trên dưới 70.000 đồng/kg.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2 tháng 9 Đăk Lăk nhận định: "Nhìn chung, sản lượng dự kiến không cao hơn năm trước. Nhu cầu chậm lại khiến doanh nghiệp không bán được hàng. Khả năng giá có thể tăng nhưng không mạnh".

Nhận định về triển vọng giá tiêu từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Tấn Hiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu cũng cho rằng giá tiêu trong thời gian tới chỉ có thể tăng nhẹ.

"Tại Đăk Nông, mặc dù thời tiết mưa nhiều khiến chuỗi tiêu thưa hạt nhưng tình hình mùa vụ cho thấy dấu hiệu khả quan khi năng suất chuỗi trên trụ có thể tăng. Trong thời gian tới giá chỉ có thể tăng nhẹ", ông Hiên cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm, Trân Châu dẫn đầu về khối lượng tiêu xuất khẩu với hơn 16.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích hồ tiêu Việt Nam năm 2020 đạt 130.838 ha, tuy nhiên diện tích này có thể giảm trong năm 2021 và 2022, ước sản lượng Hồ tiêu Việt Nam năm 2022 đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với 2021.

Nguyên nhân là do nhiều vườn tiêu tại các tỉnh trọng điểm đang bị nhiễm sâu bệnh và chết do canh tác sai phương pháp, bón phân, thuốc quá liều lượng, kích thích tăng năng suất.

Đồng thời giá tiêu xuống thấp giai đoạn 2019-2020 nên người dân không chăm sóc dẫn tới vườn tiêu bị kiệt quệ và bị xóa sổ, chi phí vật tư đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc, nhân công, xăng dầu...) trong khi giá tiêu vẫn chưa đạt như kỳ vọng, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn phổ biến ảnh hưởng đến năng suất cây tiêu, tình trạng biến đổi khí hậu vẫn diễn ra khó lường.

VPA nhận định giá tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ khi nguồn cung từ Brazil được kỳ vọng đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại trong giai đoạn nửa cuối năm theo chu kỳ hàng năm. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, do đó áp lực lên giá càng gia tăng.

Việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn zero Covid sẽ khiến cho nhu cầu của Trung Quốc chưa đạt mức như kỳ vọng. Mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng trở lại. Theo đó, lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 6 đạt gần 3.000 tấn, cao hơn tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 là 2.610 tấn.

Tuy nhiên đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Giá khó có thể tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thanh Hằng