Dự án “treo” tại Hà Nội: Nguyên nhân, thực trạng và giải pháp?

Cập nhật: 16:13 | 23/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Nhiều dự án bất động sản bị “treo” khiến bộ mặt đô thị ở Thủ đô trở nên nhếch nhác, trong khi chính quyền thành phố vẫn “loay hoay” tìm kiếm giải pháp.

“Nhếch nhác” bộ mặt đô thị Hà Nội!

Thời gian qua, việc xử lý các tồn tại trong việc các dự án ôm đất vàng rồi “để hoang” là điệp khúc chưa có hồi kết. Các dự án này vẫn tồn tại nhan nhản rải khắp các huyện ngoại thành Hà Nội, cho đến các khu vực quận nội đô.

Trong văn bản hồi đáp ý kiến cử tri mới đây, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, đến nay mới chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.

1029-dy-an
Dự án Nam Trung Yên nằm “đắp chiếu” từ nhiều năm nay.

Như vậy, còn tới hơn 300 dự án “treo” rải khắp Thủ đô khiến bộ mặt thành phố trở nên lộn xộn, thậm chí là nhếch nhác. Người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, không ít hộ dân rơi vào cảnh bi đát. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh này.

Luật Đất đai từ năm 1993, 2003, 2013 đều quy định, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Và không ít các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi. Các chuyên gia nhấn mạnh, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa của Thành phố Hà Nội, lãng phí hàng triệu mét vuông đất, nguồn tài nguyên quý giá và ảnh hưởng đời sống của người dân trong vùng dự án.

Đơn cử, tại huyện Quốc Oai có dự án khu đô thị Sudico Tiến Xuân chậm triển khai hơn 10 năm. Tại quận Tây Hồ, dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long kéo dài tới hơn 20 năm vẫn chưa xây dựng xong; tại quận Hai Bà Trưng, dự án của Công ty Cổ phần Tu tạo và phát triển nhà chậm tiến độ 17 năm; quận Hoàng Mai có dự án khu đô thị Thịnh Liệt với tổng diện tích 35ha chậm tiến độ 10 năm; tại quận Cầu Giấy, có dự án B9, C3 khu đô thị Nam Trung Yên cũng chậm triển khai nhiều năm.

Nhìn từ nguyên nhân đến giải pháp

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ như chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm). Bên cạnh đó, lỗi cũng đến từ các cơ quan chức năng khi thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...

Thậm chí dịch Covid-19 vừa qua cũng là một phần nguyên nhân tác động không nhỏ khi việc thi công nhiều dự án phải tạm hoãn để tuân thủ nguyên tắc giãn cách xã hội.

Đơn cử như dự án Athena Complex Pháp Vân do Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379 làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ xây dựng gần 1 năm qua. Tuy nhiên, theo ghi nhận, dự án này đang được Công ty 379 gấp rút đẩy nhanh tiến độ và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2021.

Bàn về giải pháp xử lý và hạn chế các dự án “treo”, các chuyên gia cho rằng, cần phải rà soát một cách tổng thể và dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Nếu chủ đầu tư không có khả năng đầu tư hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì bắt buộc phải thu hồi. Thành phố cùng với các sở, ban, ngành cần đưa ra một bộ tiêu chí để đánh giá một cách tổng quan dự án nào sẽ thu hồi 100%, dự án nào thu hồi theo từng phần.

Nếu lỗi thuộc về khâu thủ tục, quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì các cơ quan quản lý cần nghiên cứu các quy trình phê duyệt sao cho nhanh chóng nhưng vẫn phải chặt chẽ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai kịp tiến độ.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề, trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không dự án “treo” lại tái diễn.

“Tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư om đất, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp. Nếu như vậy, chủ đầu tư tự khắc sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ bày tỏ quan điểm.

Khởi công dự án đường hơn 3.500 tỷ đồng nối TP Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân

Sáng 23/10, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến ...

Kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm giao đất làm dự án cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Quốc phòng về bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án xây dựng đường nối ...

TP.HCM: Bắt giám đốc vẽ dự án "ma" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Năm Tài bị Công an TP.HCM bắt tạm giam vì bán đất nền dự án không được ...

Theo Thanh Thanh/baoxaydung.com.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm