Động lực nào giúp TTC Sugar tăng trưởng lợi nhuận năm 2021?

Cập nhật: 15:01 | 29/03/2021 Theo dõi KTCK trên

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) ra báo cáo cập nhật doanh nghiệp đối với CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC Sugar - Mã: SBT).

5740-1-a-sbt
Động lực nào giúp TTC Sugar tăng trưởng lợi nhuận năm 2021?. (Ảnh minh họa)

Niên độ tài chính của TTC Sugar bắt đầu từ 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau.

5304-sbt
Kết quả kinh doanh quý II, niên độ 2020 - 2021 của SBT. (Nguồn: BSC).

Kết thúc quý II, niên độ tài chính 2020 - 2021, TTC Sugar đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 3.851 tỷ đồng và 140 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 30% và 7,7 lần so với cùng kỳ. Trong đó, mảng đường chiếm tỷ trọng lớn nhất là 97%.

Đối với mảng đường, doanh thu thuần quý II đạt 3.748 tỷ đồng, tăng 34% so vời cùng kỳ năm ngoái, sản lượng đường tiêu thụ đạt 338.000 tấn, tăng 32% và giá bán đường bình quận đạt 11,08 triệu/tấn, tăng 2%.

Theo BSC, TTC Sugar tăng được sản lượng đường tiêu thụ nhờ vào việc tập trung đẩy mạnh thị phần trong nước ở kênh B2B và kênh tiêu dùng B2C, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu ở EU nhờ hưởng lợi từ ưu đãi thuế xuất khẩu EVFTA, cũng như hưởng lợi từ nhập siêu từ Trung Quốc.

Trong quý II, lợi nhuận gộp TTC Sugar đạt 495 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ. Con số có được nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp đạt 12.7% so với cùng kỳ là 6.3%.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ, tăng 7,7 lần, một phần đến từ việc doanh nghiệp kiểm soát tốt chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp với tỉ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần đạt 6,9% thấp hơn so với con số 9,4% cùng kỳ.

Tính chung cả niên độ tài chính 2020 - 2021, BSC dự báo TTC Sugar có khả năng đạt 15.482 tỷ đồng doanh thu và 457 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20,1% và 25% so với thực hiện năm trước. Tương đương mức lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 712 đồng. Biên lợi nhuận gộp mảng đường được dự báo sẽ duy trì ở mức 12,7% tăng 1,2% so với năm trước.

Dự báo sản lượng tiêu thụ đường của doanh nghiệp ở mức 1,245 triệu tấn đường, tăng 17% so với cùng kỳ nhờ vào 2 kênh chính là kênh doanh nghiệp lớn B2B và mở rộng thị phần ở kênh tiêu dùng B2C.

Giá bán bình quân có thể đạt 11,72 triệu đồng/tấn tăng 3,3% so với niên độ trước, giá đường xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng, còn giá đường trong nước sẽ duy trì đi ngang.

Theo phân tích đến từ BSC, có ba động lực chính dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của TTC Sugar trong năm 2020 - 2021, gồm: TTC Sugar có lợi thế trong việc chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào, xuất siêu đường cho thị trường Trung Quốc và EU, đồng thời ngành đường Việt Nam được phục hồi nhờ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của chính phủ.

VN-Index bứt tốc sau giờ nghỉ, cổ phiếu họ FLC và HAG tăng trần

Sau giờ nghỉ, VN-Index leo dốc trở lại sau khoảng thời gian giằng co đầu phiên chiều 29/3 với mức tăng hơn 7 điểm và ...

Phiên sáng 29/3/2021: FLC và SHB tiếp tục leo trần, VN-Index tăng hơn 4 điểm

Phiên sáng ngày 29/3 kết thúc với việc FLC tăng 6,8% lên mức 11.800 đồng với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 37,5 triệu ...

17 ngân hàng được xếp vào nhóm “có tầm quan trọng hệ thống”

Trong danh sách 17 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước phân loại vào nhóm "quan trọng", có 15 ngân hàng thương mại đã niêm ...

Phương Thảo