Dồn dập thoái vốn khỏi Seaprodex (SEA), một cổ đông lớn thu gần 220 tỷ đồng

Cập nhật: 18:58 | 09/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/3, cổ phiếu SEA giảm 4,96% về mức 23.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất lại ở mức rất thấp, chỉ vài trăm đơn vị.

Mới đây, Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú, cổ đông lớn Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Công ty CP (Seaprodex, UPCOM: SEA) đã thông báo bán thành công 3,48 triệu cổ phiếu SEA. Giao dịch được thực hiện trong ngày 3/3/2023, qua đó công ty bất động sản này đã giảm sở hữu tại Seaprodex từ 9,78 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,82% xuống còn 6,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,04%.

Dồn dập thoái vốn khỏi Seaprodex (SEA), một cổ đông lớn thu gần 220 tỷ đồng
Seaprodex tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản, được thành lập từ năm 1978

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú đã liên tiếp bán ra lượng lớn cổ phiếu SEA. Cụ thể, ngày 22/2, cổ đông lớn này đã bán 3,45 triệu cổ phiếu và ngày 24/2 đã bán 3,52 triệu cổ phiếu.

Tổng cộng chỉ trong 8 phiên giao dịch, công ty bất động sản này đã bán thành công 10,45 triệu cổ phiếu SEA. Theo thống kê giao dịch cổ phiếu SEA trong khoảng thời gian này, trong khi khớp lệnh chỉ vài trăm đến hơn 1.000 đơn vị giao dịch thành công, thì giao dịch thỏa thuận đã sang tay thành tay đúng bằng lượng cổ phiếu Công ty Bất động sản Anh Tú đã bán ra, với tổng giá trị tương ứng hơn 217 tỷ đồng.

Seaprodex tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản, được thành lập từ năm 1978. Hiện Công ty có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh chính là Khai thác và nuôi trồng thủy sản biển, thủy sản nội địa…

Cơ cấu cổ đông lớn của Seaprodex hiện nay gồm công mẹ - Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước sở hữu 63,38%, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hướng Công Viên sở hữu 14,02% và Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú sở hữu hơn 5%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/3, cổ phiếu SEA giảm 4,96% về mức 23.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất lại ở mức rất thấp, chỉ vài trăm đơn vị.

Dồn dập thoái vốn khỏi Seaprodex (SEA), một cổ đông lớn thu gần 220 tỷ đồng
Diễn biến giá cổ phiếu SEA từ đầu năm 2023 đến nay (Nguồn: TradingView)

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2022, doanh thu Seaprodex đạt 982,36 tỷ đồng, giảm gần 3% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 213 tỷ đồng, tăng trưởng 5,36%.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Seaprodex gần 2.685 tỷ đồng, giảm gần 26% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm tới 96,6% xuống chỉ còn gần 47 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty trích hơn 1.187 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 95%.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của SEA tính đến cuối năm 2022 còn 750,83 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn 25,65 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

Triển vọng ngành thủy sản năm 2023

Dự báo về triển vọng ngành thuỷ sản trong năm 2023, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết ngành thủy sản đã qua thời kỳ đỉnh cao, xuất khẩu thuỷ sản thời gian tới không mấy tích cực do lạm phát gây tác động tiêu cực đến các thị trường nhập khẩu, nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 đình trệ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thủy sản ghi nhận mức đỉnh lợi nhuận trong năm 2022 - là dấu hiệu cho thấy ngành đang bước vào chu kỳ đi xuống.

KBSV cũng nhận thấy giá tôm nguyên liệu và giá cá tra dù đã giảm nhưng vẫn đang ở mức cao. Mặc dù dự kiến giá nguyên liệu sẽ có xu hưởng giảm trong năm 2023, nhưng sẽ vẫn ở mức cao do chi phí nuôi cao trong khi tốc độ giá bán giảm nhanh hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.

Đối với nhóm thủy sản, dù kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc gia tăng, tuy nhiên hiện hàng tồn kho các nhà máy đang tăng, sản lượng thu hoạch cao và giá cá nguyên liệu đang trong xu hướng giảm do đó việc Trung Quốc mở cửa cũng khó tạo ra đột biến cho cá tra Việt Nam.

Dù vậy, KBSV vẫn nhìn thấy một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ cho ngành thuỷ sản trong năm 2023 gồm: Trung Quốc - thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, mở cửa nền kinh tế sau khi từ bỏ "Zero-COVID" giúp nhu cầu tại các nhà hàng, khách sạn tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, cá tra Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với cá rô phi tại nước này nên KBSV cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa chỉ giảm bớt áp lực tăng trưởng chứ không tạo sự bùng nổ tại thị trường này.

Trong báo cáo mới đây Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa có thể khiến cho lượng tiêu thụ cá tra của nước này tăng lên đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung cá thịt trắng khác như cá Minh Thái từ Nga đang sụt giảm.

Tuy nhiên, theo Agriseco xuất khẩu cá tra vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ và EU trong nửa đầu năm 2023 bởi tình trạng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Do đó, phần tăng trưởng kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc sẽ chỉ có thể bù đắp được phần nào cho sự sụt giảm đến từ các thị trường khác.

Điểm lại các giao dịch cổ phiếu đáng chú ý ngày 9/3/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam điểm lại và gửi đến quý độc giả tin tức về các giao dịch cổ ...

Nhận định chứng khoán ngày 10/3/2023: VN-Index hướng lên vùng 1.070-1.080 điểm

Lực cầu về cuối phiên 9/3 đã giúp VN-Index bật tăng mạnh lên vùng 1.060 điểm. Thanh khoản cải thiện ở chiều mua chủ động ...

Dòng tiền tích cực, sắc xanh bao trùm cổ phiếu ngân hàng phiên 9/3

Phiên giao dịch hôm nay (9/3), cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Độ rộng toàn ...

Anh Khôi