Doanh nghiệp ô tô: Con đường có mãi trải hoa hồng?

Cập nhật: 14:14 | 06/11/2015 Theo dõi KTCK trên

Về dài hạn, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ một số dòng xe có thể sẽ hạ nhiệt khi thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng.


Tăng trưởng chóng mặt

Theo thống kê của VAMA, lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng bán hàng xe ô tô toàn thị trường là 163.433 xe, tăng 53% so với cùng kỳ, trong đó, tiêu thụ xe du lịch và xe thương mại lần lượt đạt 95.192 xe, tăng 40,1% và 59.944 xe, tăng 71%.
Ngoài ra, ba thương hiệu có thị phần lớn nhất toàn thị trường là Toyota, Thaco và Kia đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực từ 33-90% so với cùng kỳ.
Những con số tích cực từ tăng trưởng tiêu thụ của ngành ô tô cũng cũng phản ánh trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể, tất cả các doanh nghiệp bán lẻ ô tô đều có mức tăng trưởng doanh thu 9 tháng đầu năm khá cao so với cùng kỳ; đặc biệt, 4/5 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 100%.

Ngoài thuần túy tăng trưởng về nhu cầu, một số yếu tố như Thông tư siết chặt tải trọng và cấm xe quá tải quá khổ có hiệu lực từ giữa năm 2014 cho đến nay, hay lãi suất cho vay đang ở mức thấp cũng góp phần đẩy mạnh sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp trong ngành.

Tiêu thụ sẽ hạ nhiệt vì... thuế?

Mặc dù các doanh nghiệp ô tô có sự tăng trưởng mạnh trong vài năm qua, nhưng theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhìn về dài hạn, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ở dòng xe thương mại có thể chững lại trong năm 2016 sau khi có bước nhảy vọt trong năm nay.
Nguyên nhân do Bộ Tài Chính đã công bố dự thảo “Điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với ô tô tải và xe chuyên dụng”, với mức tăng từ 2% đến 40% cho một số loại xe nhập khẩu. Đồng thời, tác động của chính sách siết tải trọng xe cơ giới đã giảm dần sau hơn 1 năm thi hành nhất là tăng trưởng sản lượng hàng hóa vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng tiêu thụ xe thương mại.
Như vậy, các doanh nghiệp phân phối xe thương mại như HHS, TMT hay HTL có thể khó đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trên 100% như năm 2015. Đặc biệt, HHS được dự báo chịu nhiều tác động khi dòng xe nhập khẩu International và Frieghtliner có xuất xứ từ Mỹ đều nằm trong hạng mục tăng thuế nhập khẩu từ 20% hiện hành lên 25%.
Đối với dòng xe du lịch, VDSC cho rằng, việc điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng từ năm 2016 cũng có thể khiến tăng trưởng tiêu thụ của dòng xe này hạ nhiệt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ở mức trên hai con số là có thể duy trì đươc do thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm từ mức 50% hiện tại về còn 40% trong năm sau và tiếp tục giảm dần về 0% đến 2018, giúp cân bằng tác động của việc nâng thuế thu nhập đặc biệt. Đồng thời, với tỷ lệ xe du lịch bình quân đầu người là 33 xe/1.000 người, dư địa tăng trưởng của dòng xe này ở Việt Nam còn rất lớn.

Theo BizLIVE




Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm