Doanh nghiệp mía đường “khấm khá” trong quý đầu niên độ 2021-2022

Cập nhật: 11:45 | 15/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau niên độ 2020-2021 tương đối thuận lợi, đa phần các doanh nghiệp mía đường đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan quý đầu niên độ 2021-2022.

4312-mia-yyyng
Doanh nghiệp mía đường “khấm khá” trong quý đầu niên độ 2021-2022. (Ảnh minh họa)

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - Mã: SBT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu niên độ 2021-2022 với doanh thu tăng 18% lên 4.312 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 195 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,7% xuống 11,5% khiến lợi nhuận gộp còn tăng 7% lên 497 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính tăng đột biến từ 73 tỷ đồng lên 346 tỷ đồng nhờ khoản thu tài chính 241,3 tỷ đồng từ lãi kinh doanh hợp đồng tương lai đã thúc đẩy lãi ròng doanh nghiệp.

Niên độ 2021 - 2022, SBT đặt kế hoạch doanh thu 16.905 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng. SBT dự kiến sản lượng sản xuất tăng trưởng trên 20%, bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tại Việt Nam, Campuchia và Lào thêm từ 10.000 – 20.000 ha, trọng tâm là vùng nguyên liệu organic. Diện tích vùng nguyên liệu mía của SBT đang vào khoảng 66.000 ha.

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức tại ngày 20/10/2021, SBT đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 20% cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm có nguồn lực tài chính cho kế hoạch kinh doanh tham vọng 5 năm tới.

HĐQT cho biết, phương án triển khai gọi vốn đang có nhiều tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư và dự kiến hoàn thành trong 6 - 9 tháng. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận 2020 - 2021, SBT sẽ chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 7%, tương ứng số tiền 462 tỷ đồng.

CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) báo cáo doanh thu quý đầu niên độ 2021-2022 đạt 303 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; lãi ròng 7,4 tỷ đồng, gấp 4,7 lần. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,2% về 12,5%.

Cho toàn niên độ 2021-2022, LSS dự kiến doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 40,8% so với doanh thu đạt được năm vừa qua. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 100 tỷ đồng, gấp 3,5 lần lợi nhuận đạt được năm tài chính 2020-2021. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 8%.

CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) thông tin giá đường trên thị trường thế giới tăng giúp giá bán sản phẩm đường quý này tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, doanh thu đạt 146 tỷ đồng, tăng 35%; lãi sau thuế 33 tỷ đồng, gấp 2,3 lần. Biên lợi nhuận gộp đạt 33,56%, tăng so với mức 20,5% cùng kỳ.

Dù vậy, không phải doanh nghiệp mía đường nào cũng lãi lớn quý đầu niên độ 2021-2022. Doanh thu Mía đường Kon Tum (Mã: KTS) giảm mạnh từ 41 tỷ về 6,8 tỷ đồng. Lãi gộp vỏn vẹn 279 triệu đồng và lãi sau thuế 420 triệu đồng, lần lượt bằng gần 5% và 39% cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp lý giải diễn biến này do yếu tố mùa vụ, mỗi năm chỉ sản xuất 4-5 tháng nhưng bán hàng cả năm. Kết thúc niên độ 2020-2021, đơn vị đã bán hết hàng tồn kho nên không còn sản lượng để chuyển qua niên độ mới, trong khi vụ mới bắt đầu từ tháng 12. Trong quý I, công ty không còn hàng để bán khiến doanh thu không đáng kể, các chi phí vẫn tương đương cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, doanh thu Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) quý III đạt 2.115 tỷ đồng, tăng 17%. Biên lợi nhuận tăng từ 31,9% lên 34% giúp lợi nhuận ròng tăng 49% đạt 348 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 15% lên 5.776 tỷ đồng, lãi ròng tăng 30% đạt 869 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, mảng sữa đậu nành, nước khoáng suy giảm nhưng hiệu quả mảng đường tăng đã giúp lợi nhuận chung tập đoàn gia tăng. Trong quý III, doanh nghiệp cho biết cả mảng đường và sữa cùng cải thiện, riêng mảng sữa ghi nhận tốc độ tăng trên 10% và đã xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…

Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá ngành mía đường đang có nhiều cửa sáng. Việc áp thuế gần 48% cho các sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, sản lượng mía dự kiến tăng 2% trong niên vụ 2021/2022 nhờ năng suất tăng và sản lượng mía đưa vào các nhà máy chế biến đạt 8,6 triệu tấn, tăng hơn 28% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, ngành vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro khi năng suất, quy mô đều thấp hơn so với Thái Lan. Thời tiết, dịch bệnh cũng là những yếu tố cần chú ý trong trung, dài hạn.

Agriseco còn cho biết, Tổ chức Đường Quốc tế ISO dự báo sản lượng đường thế giới sẽ thâm hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, qua đó dự báo giá đường tiếp tục tăng trong thời gian tới.

CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn chi hơn nghìn tỷ mua 30 triệu cổ phiếu GEX

Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn đã mua 30 triệu cổ phiếu GEX trong ba ngày 10, 11 và 12/11/2021, trị giá khoảng hơn ...

Chứng khoán phiên sáng 15/11: VN-Index tăng điểm, cổ phiếu chứng khoán và bất động sản bứt phá

Thị trường chứng khoán trong nước phiên sáng 15/11/2021, mở cửa đầu tuần với tâm lý giao dịch khá tích cực, dù áp lực bán ...

Những doanh nghiệp nào vào nhóm vốn hóa tỷ đô trong nửa đầu tháng 11?

Trong hai tuần đầu tháng 11, câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô chia tay hai doanh nghiệp và đón 4 cái tên mới là ...

Lâm Tuyền