Doanh nghiệp kêu cứu muốn giảm mạnh lãi suất để vượt khó

Cập nhật: 11:36 | 20/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Vốn mỏng, không có tích lũy, khiến các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng, không thể trụ vững khi nguồn thu bị gián đoạn. Hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã phải lên tiếng kêu cứu, đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giảm mạnh lãi suất, cấp tín dụng mới.

Doanh nghiệp đã “tới hạn chịu đựng”

Những khó khăn hơn 1 năm rưỡi qua do đại dịch Covid-19 với 4 lần bùng phát dịch gây ra đã vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, không ít doanh nghiệp đã không thể trụ trên thị trường.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 lên tới 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể thấy, với đặc thù các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, không có tích lũy, sức chống chịu yếu, bị lệ thuộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến đợt bùng phát dịch lần thứ tư nghiêm trọng đã trở thành “đòn chí mạng” khiến họ không thể gắng gượng thêm.

3402-doanh-nghiep-nvv
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 lên tới 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Hình minh họa

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, đến thời điểm này, có thể thấy nền kinh tế vốn không có tích lũy sâu đã vượt quá giới hạn chịu đựng. Các doanh nghiệp gần như kiệt sức đã phải lên tiếng kêu cứu. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ngấm đòn, đứng trước nguy cơ mất rất nhiều hợp đồng, nhiều hợp đồng có giá trị lớn.

Trong khi đó, Nhà nước thì không thể có đủ nguồn lực cấp phát tiền mặt như những nước có nền tài chính mạnh. Ngay cả những gói hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm thuế, giảm lãi suất… cũng chưa phát huy nhiều tác dụng nhiều, vì doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, đứt gãy do dịch Covid-19 gây ra.

Không có dự trữ khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng khi nguồn thu bị gián đoạn. Do vậy, nhu cầu về tín dụng được coi là cấp thiết hàng đầu, được ví như oxy để duy trì “sự sống” cho các doanh nghiệp.

Những kiến nghị đề xuất gửi tới Ngân hàng Nhà nước

Với những khó khăn nêu trên, giờ đây các doanh nghiệp rất trông chờ vào sự giải cứu và trợ giúp của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có thể trở thành “bà đỡ” để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh để sớm bắt nhịp với tình hình.

Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và mong muốn Ngân hàng Nhà nước cùng hệ thống các ngân hàng có các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất cho vay từ 3 đến 5%. Bên cạnh đó cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay thêm vốn mới để doanh nghiệp bổ sung kịp thời vốn lưu động, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch Covid-19 được kìm chế ở từng địa phương, từng khu công nghiệp,…

Để giúp duy trì nguồn lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trước mắt cũng như lâu dài và giải quyết thanh khoản, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng từ nay đến năm 2023, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tính toán các phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh được phù hợp và đạt hiệu quả.

Trong thực tế tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ sẽ kéo dài ít nhất hết tháng 9/2021, các doanh nghiệp tại thành phố này cũng đã kiến nghị đề xuất Chính phủ được ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau khi công bố hết dịch. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được thực hiện chính sách khoanh nợ, giảm nợ (cả gốc và lãi) nhất là với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó, cần khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2% đến 3% kể từ ngày 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế giải cứu riêng cho một số doanh nghiệp đặc thù

Vì sao gọi là doanh nghiệp đặc thù? Vì khác với các doanh nghiệp bình thường đây là doanh nghiệp có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế mà sự tồn tại phát triển của nó có tầm quan trọng với các vấn đề an ninh, quân sự, chủ quyền biên giới quốc gia,… ví dụ như các doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Hàng không Việt Nam cũng như hàng không Thế giới 2 năm qua lao đao vì dịch Covid-19. Theo các cơ quan chức năng 6 tháng đầu năm 2021 Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam có thể lỗ gần 10.000 tỷ đồng (riêng Quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng) và ngay tại thời điểm này hàng không Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn vì số nợ phải trả quả hạn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi hết dịch cũng đang cạn kiệt.

Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành hàng không Việt Nam cần được giảm lãi suất cho vay đến 2%, được phép tái cơ cấu nợ vay, giảm nợ vay đến với các khoản nợ phát sinh trong 2 năm 2020-2021. Bên cạnh đó đề nghị Bộ Tài chính giảm sâu mức thu phí và lệ phí trong ngành hàng không, kéo dài thời gian giảm phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay, điều hành bay,…

Ngoài hàng không, các ngành giao thông vận tải khác (đường sắt, đường thủy, đường bộ) cũng đều đang gặp khó khăn cần được quan tâm xem xét và giải cứu.

Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vốn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện cũng đang thiều trầm trọng “oxy dòng tiền” vì thế cũng cần được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, xem xét cho khách hàng được vay vốn mới với lãi suất thấp khoảng 2%/ năm…

Dù biết Ngân hàng hiện cũng khó trăm bề và đối mặt với việc rủi ro mất thanh khoản do doanh nghiệp không có điều kiện trả nợ, nhưng doanh nghiệp cả nước vẫn mong muốn Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đồng hành chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt “giông bão”, vượt qua Đại dịch Covid-19 đê tiếp tục phục hồi và phát triển.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 21/5/2020 của Chính phủ

Tuấn Vũ

Tin cũ hơn
Xem thêm