Doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán: Rủi ro COVID-19 chưa hết, triển vọng tươi sáng đang hé mở

Cập nhật: 09:18 | 08/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của ngành, các doanh nghiệp dệt may đã tìm được những hướng đi phù hợp, thích ứng với các điều kiện mới và đạt được nhiều kết quả khả quan.

1318-dyt-may-0
Hoạt động sản xuất của một đơn vị thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)

Tình hình COVID-19 trên thế giới, châu Á và tại Việt Nam đang ở mức nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Đây thực sự là mối lo lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của các doanh nghiệp và việc làm, đời sống người lao động, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Dệt may Việt Nam hiện cũng là ngành có lực lượng lao động lớn với gần 3 triệu người, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, có đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu, năm 2021 dự kiến xuất khẩu 40 tỷ USD.

Nếu trong doanh nghiệp có ca mắc COVID-19, chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 - 21 ngày, thì kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập. Cùng với đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng đến hết năm. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn doanh nghiệp sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, để ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp ngành dệt may đã và đang tập trung cao độ thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo đơn hàng cho đối tác.

Lợi nhuận ngành dệt may phục hồi tích cực

Thống kế của VNDIRECT cho thấy trong quý I/2021, có 13/19 doanh nghiệp ngành dệt may niêm yết đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực.

1537-dyt-may-1

Tổng doanh thu trong quý I/2021 của các doanh nghiệp dệt may được niêm yết đã giảm 7,6% so với cùng kỳ do giảm giá bán; tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp được cải thiện 1,6 điểm % so với cùng kỳ trong khi chi phí bán hàng giảm 12% so với cùng kỳ. Chi phí giảm là nhờ cải thiện danh mục sản phẩm (sợi tái chế, găng tay, ba lô) với biên lợi nhuận gộp cao hơn; hàng tồn kho giá thấp kể từ quý IV/2020; và cắt giảm chi phí quảng cáo. Do đó, tổng lợi nhuận ròng quý I/2021 của các doanh nghiệp này tăng 38,2% so với cùng kỳ 2020.

Trong số đó, Công ty cổ phần Sợi Thế kỷ (Mã: STK) và Công ty cổ phần May Bình Thạnh (Mã: GIL) có kết quả thậm chí còn tốt hơn so với mức trước dịch với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt là 37% và 121% so với quý I/2019. Trong quý I/2021, lợi nhuận ròng của STK tăng 34,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận ròng của GIL lần lượt tăng 19,5% so với cùng kỳ và 78,5% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2021 là yếu tố tích cực hỗ trợ giá cổ phiếu ngành dệt may “cất cánh” ngay sau đó. Tại May Thành Công, thị giá TCM đã tăng 50% với nhiều phiên kịch trần chỉ từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Đây cũng là thời điểm mà TCM công bố báo cáo tài chính với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt đạt 945 tỷ đồng, tăng 20% và 62 tỷ đồng tăng gấp đôi với cùng kỳ năm 2020.

Điều này diễn ra tương tự tại Sợi Thế Kỷ, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu STK cũng đạt đỉnh lịch sử với mức giá 36.100 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối tháng 3. Thời gian sau đó, STK tiếp tục tăng mạnh hiện đã thiết lập đỉnh lịch sử mới.

1556-dyt-may-stk
Cổ phiếu STK chốt phiên ngày 7/6/2021.

Giá cổ phiếu GIL cũng tăng suốt từ đầu năm và đạt đỉnh 79.500 đồng/cổ phiếu phiên 12/5 vừa qua. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng ghi nhận giá cổ phiếu tăng theo xu hướng kết quả kinh doanh của ngành. Chẳng hạn như cổ phiếu GMC của Garmex Sài Gòn; TNG của Đầu tư và Thương mại TNG; M10 của Tổng công ty May 10; VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…

Triển vọng tốt nhờ nhiều yếu tố thuận lợi

Các doanh nghiệp dệt may có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ nên có triển vọng tích cực. Trong đó, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi.

Đặc biệt, các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đối với quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.

Thông tin từ Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 5 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,1% và 21,2%. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.

Chỉ số sản xuất ngành da và các sản phẩm liên quan tháng 5 tăng 8,1% so với tháng 4 và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 12% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, theo nhận định của VNDIRECT, tình hình chính trị bất ổn gần đây ở Myanmar là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Các nhà bán lẻ e ngại khi đặt hàng tại Myanmar và sẽ tìm các quốc gia thay thế trong giai đoạn tới, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, các công ty sản xuất vải và sợi tận dụng lợi thế từ chiến tranh thương mại châu Âu - Trung Quốc. VNDIRECT cho rằng, TCM sẽ được hưởng lợi từ việc nhiều nhà sản xuất phương Tây từ chối mua bông từ Trung Quốc khi họ có xu hướng chuyển sang mua vải tại Việt Nam.

Đồng thời, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bước vào chu kỳ đầu tư mới, hay các dự án FDI sắp tới sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu,... cũng là các yếu tố thuận lợi hỗ trợ ngành dệt may tăng trưởng.

Vẫn cần giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, các đơn hàng đang có sự phục hồi khá nhưng nếu phát sinh phải cách ly thì không chỉ không có tăng trưởng mà còn có nguy cơ phải chịu phạt hợp đồng. Đây là thách thức và rủi ro vô cùng lớn, là nguy cơ với tất cả các doanh nghiệp dệt may.

Do đó, trong tình huống hiện nay, ông Trường đề xuất các doanh nghiệp cần nâng mức độ phòng chống dịch bệnh lên cao nhất, bao gồm thực hiện nghiêm túc chế độ 5K do Bộ Y tế đề ra, thực hiện giãn cách trong doanh nghiệp, khử khuẩn, sát trùng, đeo khẩu trang với người lao động cả trong quá trình làm việc, giãn cách trong nhà ăn tập thể…

"Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc tập trung sản xuất kinh doanh, đảm bảo năng suất, chất lượng trong giai đoạn bản lề. Phấn đấu đạt ngưỡng năm 2019 để phục hồi về tài chính, đơn hàng và vị trí mới của ngành trong chuỗi cung ứng, mạnh mẽ hơn so với vị trí chúng ta đã có từ trước", ông Trường nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, trải qua nhiều đợt dịch đã tạo cho các doanh nghiệp tính thích ứng cao, luôn luôn cảnh giác và thường trực giải pháp, cũng như rèn cho người lao động thói quen mới trong thời đại dịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may vẫn cần những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cũng nhận thấy, cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần được thực hiện nhanh chóng.

Ngoài giảm thuế, lùi thời gian nộp tiền đất cho doanh nghiệp, cần đổi mới thêm các chính sách, luật đất đai. Nhiều nhóm đầu tư rút từ Trung Quốc hay nước khác vào Việt Nam rất cần đất đai, đầu tư thêm công nghệ... cần tạo chính sách thuận lợi cho họ để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, công nghệ 4.0 đã được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nếu không đào tạo nhanh cho lao động thì không đáp ứng được yêu cầu công nghệ. Bởi vậy, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động thông qua các bộ, sở, hoặc có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo lao động.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Hồng Giang